Ông Lê Văn Dành, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai, cho biết sản phẩm từ gỗ là một trong bốn mặt hàng có tổng giá trị xuất khẩu lớn của Đồng Nai, chỉ sau giày dép, dệt may, xơ sợi dệt.Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này tháng 11/2014 ước đạt 103 triệu USD tương đương so với tháng 10/2014, tăng khoảng 17% so với cùng kỳ.Lũy kế 11 tháng của năm, xuất khẩu các mặt hàng gỗ ước đạt 884 triệu USD, tăng khoảng 9,1% so với cùng kỳ.Sản phẩm gỗ xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai gồm sản xuất là đồ gỗ nội thất, ván ép đã có mặt trên 80 thị trường thế giới, trong đó các thị trường chủ lực là Hoa Kỳ đạt kim ngạch xuất khẩu 568 triệu USD, Nhật Bản 103 triệu USD, Hàn Quốc 88 triệu USD, Canada 37 triệu USD, Australia 29 triệu USD, Anh 26 triệu USD...Lý do khiến đồ gỗ Việt Nam đã và đang ngày càng được ưa chuộng tại các thị trường lớn là do đồ gỗ Việt Nam có chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh.Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ, đồ thủ công mỹ nghệ gia tăng cả trong và ngoài nước những năm qua cũng là cơ hội cho ngành chế biến đồ gỗ trong nước phát triển.Theo ông Nguyễn Thành Nhân, chủ cơ sở gốm mỹ nghệ Thành Nhân ở ấp Tân Bắc, xã Bình Minh, huyện Trảng Bom, từ tháng Tám đến nay, mặt hàng mộc mỹ nghệ của cơ sở này sản xuất không đủ xuất khẩu sang các thị trường Hoa Kỳ, Pháp, Đức và một số nước khác.Cơ sở này đã sản xuất hàng trăm mẫu mã đồ gỗ trang trí trong nhà và là cơ sở sản xuất gỗ mỹ nghệ lớn nhất huyện Trảng Bom xuất khẩu trên 90% sản phẩm.Ông Phan Văn Bình, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Đồng Nai, cho hay Hiệp hội đã duy trì và thường xuyên phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại giúp các doanh nghiệp khảo sát thị trường, tham gia hội chợ, gặp gỡ tham tán thương mại.Cùng với việc tổ chức tập huấn về các văn bản liên quan đến xuất nhập khẩu, hướng dẫn xây dựng chứng chỉ rừng cho một số doanh nghiệp xuất khẩu, Hiệp hội cũng điều tra và nắm tình hình việc thu gom nguyên liệu gỗ của Trung Quốc và kiến nghị Nhà nước có hướng giải quyết việc mua phá giá nguyên liệu, xuất khẩu nguyên liệu thô làm đảo lộn hoạt động kinh doanh.Ngoài ra, các doanh nghiệp trong Hiệp hội còn đẩy mạnh công tác trồng rừng tại nhiều tỉnh trong nước và tại Lào, Campuchia nhằm tạo nguồn nguyên liệu dồi dào.Trong thời gian tới, Hiệp hội sẽ tăng cường công tác thông tin hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, xây dựng liên kết chuỗi để tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả.Cũng theo Sở Công Thương Đồng Nai, dự kiến xuất khẩu gỗ trong 2015 sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt. Hiện nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã nhận được đơn đặt hàng đến quý 2/2015./.
Gỗ mỹ nghệ của Đồng Nai đã có mặt ở 80 thị trường trên thế giới
Theo Vietnam+