Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2008, sáng 10/10, tại Hà Nội, Báo Đầu tư và Hiệp hội DNNVV Việt Nam đã tổ chức Hội thảo "DNNVV: vai trò, thách thức và triển vọng". Tham dự có lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Khoa học Công nghệ, đại diện một số cơ quan quản lý nhà nước khác và Hiệp hội doanh nghiệp.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện cả nước có 349.300 doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh với số vốn đăng ký lên đến 1.389.000 tỷ đồng (tương đương 84,1 tỷ USD). Trong số đó, có hơn 95% là các DNNVV.
Đây là khu vực kinh tế phát triển rất nhanh, năng động của nền kinh tế. Chỉ tính từ năm 2006 đến 2008, số luợng doanh nghiệp tăng hơn 40%, trong đó đa phần là các DNNVV. Lao động trong khu vực này chiếm hơn 50%, vốn chiếm gần 29%, doanh thu chiếm hơn 22% và nộp ngân sách chiếm 17,64%.
Tuy nhiên, các ý kiến tại Hội thảo đều chỉ ra rằng, các DNNVV vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Đặc biệt, trong điều kiện nền kinh tế trong nước và quốc tế có nhiều biến động, các DNNVV đang chịu những tác động rất mạnh mẽ. Việc lạm phát tăng khiến khu vực DNNVV khó tiếp cận các nguồn vốn, cùng với sự phát triển thiếu kế hoạch và kinh nghiệm quản lý còn hạn chế khiến khu vực doanh nghiệp này vốn đã khó khăn lại càng chồng chất khó khăn.
Các ý kiến cũng cho rằng, việc hỗ trợ của Nhà nước đối với các DNNVV là yếu tố hết sức quan trọng trong tình hình hiện nay. Mặc dù vậy, sự hỗ trợ đó cũng cần phải có chọn lọc, tập trung vào những doanh nghiệp, sản phẩm đang và sẽ có tiềm năng phát triển. Đối với những doanh nghiệp nội lực yếu, năng lực cạnh tranh kém, việc hỗ trợ sẽ không mang lại nhiều kết quả và Nhà nước cũng không có đủ khả năng hỗ trợ.
Mặt khác, đa số các đại biểu đều cho rằng, việc tiếp tục cải cách hành chính, tạo môi trường cho các DNNVV phát triển mới là yếu tố then chốt; hoàn thiện cơ chế đăng ký hợp nhất để rút ngắn thời gian cho doanh nghiệp gia nhập thị trường cũng như việc tăng cường cung cấp thông tin cho khu vực doanh nghiệp này.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Bích Đạt nhấn mạnh: Cục Phát triển Doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương phải theo dõi, nắm bắt ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp và trực tiếp trao đổi với các doanh nghiệp về cơ chế chính sách, môi trường pháp lý, thủ tục hành chính. Qua đó, đề xuất các kiến nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chính phủ nhằm hoàn thiện hơn nữa môi trường kinh doanh. Từ đó, nâng cao vị trí, vai trò của các DNNVV đối với nền kinh tế./.