Có ý kiến đề xuất đưa thuế suất chung xuống 20% ngay từ năm 2014 (giữ mức 32-50% đối với khai thác dầu khí và tài nguyên quí hiếm) để tăng độ hấp dẫn đối với các DN qui mô lớn, có khả năng tạo ra nhiều lợi nhuận, đồng thời giảm nhẹ được chi phí quản lý, tạo sức ép để tăng tính cạnh tranh trong cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, phương án này tác động quá lớn đến cân đối ngân sách nhà nước. Số thu từ năm 2014 giảm đi khoảng 30.160 tỷ đồng/năm; nếu tính thêm cả giảm thu về thuế TNCN khoảng 13.359 tỷ đồng/năm, và việc bổ sung ưu đãi thuế kéo theo giảm thu khoảng 2.081 tỷ đồng thì tổng số giảm thu NSNN năm 2014 lên tới 45.591 tỷ đồng.

"Chúng ta có thể tin rằng, việc giảm ngay thuế suất xuống 20% sẽ bù lại các năm sau khi kinh tế phát triển do đầu tư tăng lên. Tuy nhiên, số thu tăng các năm sau mới là kỳ vọng trong khi số giảm thu là tiền thật” – ông Nguyễn Văn Phụng – Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thuế (Bộ Tài chính) nói.

Xu hướng được nhiều người ủng hộ là qui định trong Luật lộ trình áp dụng thuế suất 20% từ 1/1/2016 và giữ nguyên không điều chỉnh các mức thuế suất ưu đãi. Theo quan điểm của ông Phụng, nên đề xuất với Quốc hội quy định rõ lộ trình áp dụng thuế suất phổ thông 20% từ năm 2016 hoặc 2017, đồng thời giữ nguyên các mức thuế suất ưu đãi là 20% và 10% tùy theo lĩnh vực, địa bàn được Luật qui định.

Việc công bố trước lộ trình áp dụng thuế suất 20% cho phép DN chủ động trong việc lựa chọn, ra quyết định đầu tư ngay từ bây giờ và kéo theo tác động thị trường sớm được phục hồi. Và việc qui định lộ trình thuế suất trong Luật đã có tiền lệ với Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và thực tế có hiệu quả. Việc qui định trước lộ trình áp thuế cũng sẽ không gây tác động giảm thu NSNN đột ngột của năm 2014 và 2015./.