Chiều 18/3, khi thảo luận về dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, nghe Bộ Tài chính đề xuất mức thuế thu nhập doanh nghiệp giảm từ 25% xuống còn 23%, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: “Nếu tôi là Bộ trưởng, tôi sẽ giảm thuế xuống còn 20%”.

Đây không đơn giản là chuyện ngân sách Nhà nước sẽ sụt giảm bao nhiêu do phải giảm thuế, mà là một câu chuyện sâu sắc về quản lý kinh tế vĩ mô. 

Báo cáo trước Ủy ban thường vụ Quốc hội chiều 18/3, đại diện Bộ Tài chính - cơ quan chủ trì soạn thảo dự Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, đề xuất giảm mức thuế suất phổ thông từ 25% xuống còn 23%. Doanh nghiệp sử dụng dưới 200 lao động, làm việc toàn bộ thời gian, tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng sẽ hưởng thuế suất 20%.  

Trong vai trò thẩm tra, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội nhất trí với chủ trương này nhằm bảo đảm tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư và đề nghị nghiên cứu, quy định ngay trong luật về lộ trình giảm thuế suất đến năm 2020, bảo đảm phù hợp với Chiến lược cải cách thuế, đến giai đoạn 2016-2020 áp dụng thống nhất một mức thuế suất 20%; đối với địa bàn đặc biệt khó khăn, được ưu đãi hơn, có thể quy định mức thuế suất 15%.

Đề xuất giảm thuế từ 25 xuống 23%, vì Bộ Tài chính tính toán rằng cứ giảm 1% thuế, ngân sách sẽ giảm thu 6.000 tỉ đồng một năm. Thế nhưng chủ trì phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tỏ ra không đồng tình và cho rằng, cần phải nhìn nhận một cách toàn diện, phải thấy nhờ giảm thuế, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp ăn nên làm ra, khi ấy tiền đóng thuế sẽ tăng lên. Và để khẳng định quan điểm của mình, ông nói: “Nếu tôi là Bộ trưởng, tôi sẽ giảm ngay thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20%”.

Đặt trong bối cảnh khó khăn của đất nước trong năm qua khiến hơn 46.000 doanh nghiệp bị giải thể, sản xuất đình đốn, hàng trăm nghìn công nhân mất việc làm, nợ lương và bảo hiểm xã hội thường xuyên, mới thấy mong muốn giảm thuế nhanh để cứu doanh nghiệp của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng là có lý.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 01, rồi Nghị quyết 02 với nhiều gói giải pháp đồng bộ. Trong đó, việc gia hạn, miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp được xem là một trong những giải pháp tích cực nhất nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chặn đà suy thoái để vực dậy nền kinh tế đất nước.

Trong bối cảnh như vậy, vấn đề là nếu giảm đi 1% thuế suất, sẽ tác động tích cực đến sản xuất kinh doanh như thế nào, thay vì chỉ tính toán đơn thuần là ngân sách còn - mất bao nhiêu! Đó là chính sách khoan thư sức dân mà cha ông ta xưa đã từng làm.

Xưa “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc” đã được các bậc tiền nhân áp dụng thành công để sơn hà vượt qua nguy biến. Nay “Khoan thư sức doanh nghiệp ” cần được coi là kế sách giúp cộng đồng doanh nghiệp trong nước chống chọi, vượt qua khó khăn thử thách. Đó mới là kế sách “nuôi dưỡng nguồn thu” lâu dài, bền vững cho đất nước./.