Sáng nay (27/11), tại tỉnh Đồng Tháp, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng UBND tỉnh Đồng Tháp và Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức hội thảo “Đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp”. Đây là một hoạt động nhằm cung cấp một cái nhìn toàn diện về những chương trình tái cơ cấu nông nghiệp hiện nay cũng như đề xuất những giải pháp đổi mới sáng tạo cho tam giác liên kết Doanh nghiệp – Viện trường – Nhà nước trong ngành nông nghiệp.

1taicocaunn1ov.jpg
Cần tăng cường ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp (Ảnh: Bao Ninh Bình)

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân nhấn mạnh: Trong vài năm trở lại đây, vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp trở nên nóng sốt và gây nhiều tranh luận. Nhiều chương trình được đưa ra ở cả cấp Trung ương và địa phương nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuẩn bị cho những thách thức hội nhập với nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, trong thực tế, một số chương trình chưa đem lại thành tựu như mong đợi.

Do vậy, ngành nông nghiệp Việt Nam muốn tái cơ cấu cần phải khắc phục được những khó khăn. Đó là phải có một chính sách đồng bộ để gắn kết trách nhiệm cũng như phân bổ lợi ích hài hòa giữa các nhà (nhà nông, nhà nghiên cứu, nhà doanh nghiệp, nhà nước); phải đầu tư vốn và khoa học kỹ thuật đủ tầm vào ngành nông nghiệp.

Tới năm 2020, Việt Nam có trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại cũng dựa trên nền tảng nông nghiệp. Nông nghiệp vẫn đóng vai trò then chốt trong xuất khẩu và tỷ trọng trong nền kinh tế. Vấn đề từ bây giờ đổi mới trong nông nghiệp như thế nào? Bên cạnh cơ chế chính sách của nhà nước, việc đưa khoa học công nghệ vào sản xuất đến thời điểm này đã mang tính quyết định. Từ chỗ là nước thiếu đói, nhập khẩu lương thực, vài năm đổi mới đã trở thành quốc gia xuất khẩu. Chứng tỏ chính sách phù hợp, cùng với KH-CN sẽ giúp cho một ngành quan trọng của đất nước phát triển.

Tham gia hội thảo “Đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp” là cơ hội để các Trung tâm nghiên cứu thuộc các Viện trường tiếp xúc với các doanh nghiệp nông nghiệp (sản xuất, chế biến, cung cấp vật tư, máy móc…) và các chuyên gia về nông nghiệp và đổi mới sáng tạo từ các địa phương trên cả nước. Qua đó, các bên tham dự có thể tìm thấy những gợi ý, giải pháp cho việc thu hẹp khoảng cách giữa phòng thí nghiệm và nhà máy sản xuất, tăng cường hơn nữa hiệu quả hợp tác để cùng nâng cao năng lực cạnh tranh trong hội nhập.

Hội thảo được tổ chức theo dạng thảo luận với 3 phiên khác nhau, cùng bàn về các vấn đề đáng lưu ý hiện nay như: Cơ giới hóa nông nghiệp và sản xuất cơ khí phục vụ nông nghiệp; Hợp tác hóa và hợp tác xã kiểu mới và Hợp tác hóa và hợp tác xã kiểu mới.

Riêng ở phiên thảo luận về Cơ giới hóa nông nghiệp và sản xuất cơ khí phục vụ nông nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp đã nêu rõ tính hiệu quả của việc liên kết giữa Viện trường (tổ chức nghiên cứu), doanh nghiệp sản xuất máy nông nghiệp và nông dân trong việc ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, giúp giảm chi phí sản xuất.

Bên cạnh đó, một số công trình, sản phẩm nghiên cứu của các Viện trường đã được chuyển giao thành công cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế từ phiên thảo luận cho thấy đã có nhiều vướng mắc trọng yếu của các chương trình cơ giới hóa nông nghiệp hiện nay.

Các đại biểu cũng nhấn mạnh vai trò của cơ quan quản lý nhà nước và chính sách nhà nước trong việc thúc đẩy mối quan hệ với doanh nghiệp sản xuất máy nông nghiệp và Viện trường.

Tiến sĩ Dương Thái Công, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật-công nghệ Cần Thơ, đề nghị: Nhà nước và người sản xuất đã ý thức được sự vận dụng KH-KT vào nông nghiệp, nhưng đa phần sử dụng thiết bị máy móc nhập khẩu. Do vậy, để tự chủ trong việc ứng dụng tiến bộ trong sản xuất nông nghiệp, phải đẩy mạnh hơn công tác nghiên cứu. Nhà nước có giải pháp đầu tư mạnh ở những vùng nông nghiệp trọng điểm, cần có những trung tâm nghiên cứu, chế tạo máy móc nông nghiệp./.