Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch tỉnh An Giang, được biết đến là người đã tạo ra nhiều bứt phá cho nông nghiệp tỉnh An Giang, góp phần thúc đẩy nông nghiệp ĐBSCL nói chung từ khi ông là Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang, rồi làm Chủ tịch tỉnh này. Hiện, ông Nguyễn Minh Nhị vẫn nặng lòng với nông nghiệp, nông dân và nông thôn Việt Nam.

Tiếp mạch làm cầu nối để tìm giải pháp cho tái cơ cấu nông nghiệp, phóng viên VOV online phỏng vấn ông Nguyễn Minh Nhị xoay quanh vấn đề “tam nông” và sự phát triển đất nước.

Không thể tách rời nông nghiệp – nông dân – nông thôn

PV: Theo ông, giữa nông nghiệp – nông dân – nông thôn có vai trò gì đối với sự phát triển đất nước?

nguyenminh%20nhiimg_5859.jpg
Ông Nguyễn Minh Nhị
Ông Nguyễn Minh Nhị: Mối quan hệ tam nông (nông nghiệp – nông dân – nông thôn) là 3 nội dung của một vấn đề lớn. Đây là vấn đề hết sức quan trọng đối với Việt Nam. Vì nước ta là một nước nông nghiệp lạc hậu đi lên, đến nay vẫn chưa thoát ra khỏi tình trạng đó. Cho nên, nó vẫn là trọng tâm trong chiến lược đường lối chính trị của Đảng, Nhà nước. Các nội dung này hòa quyện với nhau. Nông dân làm ăn khá giả tức là làm nông nghiệp phát triển, đời sống được nâng lên thì xây dựng nông thôn phát triển, bộ mặt nông thôn đổi thay. Các nội dung này không tách ra được.

PV: Vậy ông cảm nhận thế nào về mối quan hệ giữa “tam nông” ở Việt Nam hiện nay?

Ông Nguyễn Minh Nhị: Hiện, nông dân Việt Nam làm ruộng dù trúng mùa, năng suất cao nhưng chưa chắc giàu hơn các nước Thái Lan, Campuchia có năng suất thấp hơn, nhưng lợi tức của họ cao hơn. Bởi vì, tính bình quân đất đai theo đầu dân ở Việt Nam (khoảng 1.000 m2/người) thấp hơn Campuchia, Thái Lan. Do đó, dù năng suất cao, chia bình quân cho dân số cao, lợi tức sẽ thấp hơn.

Lẽ ra từ giai đoạn 10 năm tăng trưởng nhanh trước đó (đầu thời kỳ Đổi Mới từ 1986-1996), ở tầm quản lý vĩ mô phải có định hướng cho nền nông nghiệp đi theo hướng nào. Nhưng thực tế lại không định hướng được, cứ tiếp tục làm cho nhanh, làm cho tốt, làm ra nhiều theo khẩu hiệu thi đua.

Hơn nữa, từ khi ta gia nhập WTO, chất của nền nông nghiệp vào WTO phải khác so với trước đó. Tức là mỗi giai đoạn có cách phát triển khác nhau, cần có định hướng để lái nền nông nghiệp, lái sản xuất theo nó. Thậm chí, tới thời điểm hiện nay, chúng ta cũng không lái được. Đơn cử, việc nói cắt 1 triệu hecta đất nông nghiệp ra làm việc khác cũng không cắt được, từ Bộ NN-PTNT đến các địa phương chưa ở đâu dám làm và chưa biết cách làm.

Sự lúng túng này là do không có chuẩn bị, không có chiến lược cho từng giai đoạn. Cộng hưởng tam nông tới những năm cuối thế kỷ XX lẽ ra phải kết thúc thời kỳ hoàng kim phát triển rộng trước đó.

Phải định rõ mô hình cho cấu trúc ngành nông nghiệp

PV: Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, xét cho cùng là nhằm đẩy mối quan hệ “tam nông” sang một giai đoạn mới với hiệu quả mới. Ông đánh giá thế nào về thực tế đang triển khai việc này?

Ông Nguyễn Minh Nhị: Đối với tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp, tôi đề nghị trước hết, phải tái cơ cấu ngay quản lý ngành nông nghiệp gắn với nông dân, nông thôn. Phải bắt đầu xây dựng cấu trúc ngành nông nghiệp theo mô hình nào. Tức là phải xác định rõ mô hình cho hội nhập hay mô hình tự cung tự cấp?

Thực tế đến nay, nông nghiệp nước ta vẫn chưa có mô hình hội nhập, đang sử dụng mô hình tự cung, tự cấp. Bởi vì còn tình trạng Bộ NN-PTNT cứ nói, thậm chí ra văn bản mà Sở NN-PTNT cũng không làm.

Nhu cầu tiêu thụ nông sản tại thị trường nội địa rất giàu tiềm năng cho nông sản Việt (Ảnh: Hanoimoi)

Bây giờ tái cơ cấu, phải làm thật cụ thể. Đó là tầm quốc gia, tầm Bộ làm mấy món trọng tâm, còn lại giao cho khuyến nông của tỉnh, huyện, xã và nông dân tại địa phương tự lo chọn làm gì đó thật cụ thể, không phải nói và làm tùm lum.

PV: Là người từng làm “tư lệnh” ngành và đưa nông nghiệp tỉnh An Giang bứt phá, xin ông chia sẻ chút kinh nghiệm?

Ông Nguyễn Minh Nhị: Khi tôi làm Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh, tôi từng nói với bà con: Tôi chỉ chịu trách nhiệm với bà con về làm lúa, làm cá, còn lại bà con tự lo. Tôi có thể cho cán bộ kỹ thuật giúp bà con. Nhưng bà con phải tự quyết định về thị trường cho sản phẩm của mình, tôi không bao.

Ví dụ, tôi muốn giúp bà con nuôi bò ở gia đình để có thịt, có sữa. Tôi đã nhập 200 con bò từ Australia về giao cho công ty nuôi, nhưng cấm không cho đem ra ngoài. Công ty nuôi được mới đưa ra cho người dân nuôi. Vi nếu chưa biết nuôi kết quả thế nào mà đưa ra cho dân nuôi là giết dân. Sau đó, thực tế nuôi bò thấy không hiệu quả, đã lặng lẽ bán.

Cần tái cấu trúc hệ thống chính sách

PV: Gắn với việc tái cơ cấu nông nghiệp lần này, theo ông cần làm như thế nào?

Ông Nguyễn Minh Nhị: Khi tái cơ cấu nông nghiệp là phải xác định cây gì, con gì là của quốc gia, cây gì, con gì của địa phương. Từ đó, xác định cây, con chủ chốt rồi giúp dân giải quyết các vấn đề về tập trung tài chính, ngân hàng, luật pháp, thuế và thị trường xuất nhập khẩu...

Bên cạnh đó, phải tái cấu trúc lao động nông nghiệp, trước hết là lao động bậc cao có nghề, có kiến thức, sau đó là lao động dịch vụ nông nghiệp. Với lao động nông nghiệp được đào tạo bậc cao cũng phải xác định đào tạo loại nào, cho ai, chứ không đào tạo ra rồi để cho thất nghiệp. Vì lao động đã chuyên môn hóa, nên phải hình thành các nhóm chuyên biệt: Làm đất riêng, phun xịt thuốc riêng, thu hoạch riêng... rồi có liên kết các nhóm này lại.

Đồng thời, phải tái cơ cấu cả với hệ thống doanh nghiệp. Trước đây, tôi mặn mà với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) làm về nông nghiệp lắm. Giờ thì tôi vỡ lẽ ra là lạc hậu rồi. DNNN lúc đầu làm được việc, nay vai trò lịch sử nó đã qua rồi. DNNN trong lĩnh vực nông nghiệp giờ lẹt đẹt. DN tư nhân nổi lên và làm được nhiều việc. Họ đi vào chế biến sâu, còn DNNN không làm được.

Đặc biệt, phải tái cấu trúc hệ thống chính sách. Luật pháp nào không phù hợp phải thay đổi. Luật pháp chưa hỗ trợ được cho các sáng kiến đi vào thị trường. Chẳng hạn, chính sách bỏ ra tiền để hỗ trợ mua lúa tạm trữ mấy chục năm qua chỉ là giải pháp tình thế. Nhưng không thể cứ mãi tình thế.

Ngành nông nghiệp và chính quyền các cấp phải giúp người nông dân biết làm cái gì, biết bán ở đâu. Trong đó, có những thứ, nông dân không thể tự mang bán được, chính quyền phải giúp họ bán. Vì nông dân không biết thì mới nghèo, mà giờ bắt người ta phải biết thì họ đâu cần chính quyền nữa.

PV: Điều ông vừa nêu mới là hướng vĩ mô, vậy để đạt mục tiêu chuyển từ nông nghiệp giá trị thấp sang có giá trị cao, theo ông phải làm thế nào?

Ông Nguyễn Minh Nhị: Nếu bây giờ thấy nông dân trồng lúa khổ, cứ xả đất ra khuyến khích nông dân trồng các thứ khác, không khéo sẽ chuyển từ cái chết cũ chuyển qua cái chết mới. Chết cũ là làm lúa thì không giàu được, giờ chuyển qua cái chết mới là trồng cây mới thì không biết cây gì, bán cho ai.

Cho nên, Nhà nước phải nói cho rõ, phải sòng phẳng, minh bạch với dân. Ví dụ, khi dân trồng bông vải không được thì nói thẳng ra là không trồng bông vải nữa. Đừng nói kiểu ngắc nga ngắc ngứ, như thế là hại dân. Hay cây mía, nếu thấy cạnh tranh không được, đường lậu quá trời, hãy dẹp đi để mua đường ăn. Còn lại, người ta muốn trồng gì, kệ người ta. Nếu bảo dân trồng, phải bảo đảm lợi ích cho dân.

Còn giờ nói chuyển phần nào đó từ trồng lúa sang trồng bắp, phải nói bà con biết trồng giống bắp gì, rồi năng suất sẽ đạt bao nhiêu, giá bán bao nhiêu, lời bao nhiêu?

Đặc biệt, việc chuyển đổi cây trồng phải tính cho chắc, tính phải cho nhanh. Vì đời người rất ngắn. Tức là bảo nông dân trồng cây gì, nuôi con gì thì phải có nghiên cứu, tính toán cụ thể cho họ biết đầu tư bao nhiêu, lời bao nhiêu. Không thể cứ nói chung chung là cứ làm đi!

PV: Ông có thấy “ánh sáng cuối đường hầm” trong lộ trình tái cơ cấu nông nghiệp?

Ông Nguyễn Minh Nhị: Hiện tại, chúng ta thấy chuyện trồng cây gì, nuôi con gì, bán cho ai vẫn rất mù mịt. Tại chúng ta đã làm cho nền nông nghiệp của mình mù mịt khói sương. Muốn thành công, tư duy nhà quản lý ngành phải được đổi mới trước, phải làm các việc quan trọng như tôi vừa nêu.

Rồi cũng phải bình tĩnh xem xét sẽ thấy, qua màn sương hiện nay vẫn có những ánh sáng rất lý tưởng. Đó là trong 90 triệu dân Việt Nam hiện nay, có khoảng 30 triệu dân đã khá giả. Họ cần ăn ngon, ăn sang, ăn sản phẩm đắt tiền. Cho nên, thị trường nội địa rất lớn, hãy chú trọng nó. Nạn hàng giả, hàng nhái cũng phải được nghiêm trị.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!