Theo các chuyên gia, điểm đầu của lối thoát và “cởi trói” cho nông nghiệp, nông dân là phải bắt đầu từ tư duy nhà quản lý nông nghiệp. Vấn đề đặt ra là, làm sao để từ điểm đầu lối thoát này, cả nền nông nghiệp vững bước tiến lên? Chắc chắn, theo quy luật của sự phát triển thì làm gì cũng cần có lộ trình, và muốn tiến lên phải biết chính xác vạch xuất phát chỗ nào và đích ở đâu rất cụ thể. Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, muốn thành công, cũng phải có lộ trình như thế.

Cần xách định rõ vị trí nông dân trong nông nghiệp

Dẫn hành trình “cởi trói” này, xin bắt đầu từ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013, phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Vì đây là căn cứ cho các bàn thảo giải pháp tái cơ cấu, cũng là căn cứ để ngành nông nghiệp tái cơ cấu.

1taicocaunn1ov.jpg
Nông dân là người quan trọng nhất để hiện thực hóa quá trình tái cơ cấu nông nghiệp (Ảnh: Bao Ninh Bình)

Nhưng đến nay, nhiều chuyên gia cho rằng, nhiều giải pháp đặt ra trong Đề án còn chưa rõ ràng. Thạc sĩ Trương Quốc Cần, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn bền vững, nhấn mạnh:“Đề án này chưa thực sự đặt vai trò của nông dân làm trọng tâm, trong khi họ là người cuối cùng và quan trọng nhất để hiện thực hóa quá trình tái cơ cấu”.

Để tái cơ cấu có thành quả vững chắc, trước hết phải đưa ra các thông số về cơ cấu nông dân. Theo ông Cần, Nhà nước cần có tính toán chi tiết về cơ cấu nông dân, tỷ lệ các nhóm nông dân (sản xuất nhỏ lẻ, sản xuất trung bình, sản xuất lớn) sau 10-20 năm nữa. Lấy thông tin đó làm căn cứ để thiết kế nền móng các mục tiêu, giải pháp cho sản xuất phù hợp.

Cùng quan điểm phải coi trọng vai trò nông dân, ông Lê Thành Công, Bí thư Huyện ủy Châu Thành (Đồng Tháp) còn lưu ý: “Mỗi nơi muốn thực hiện tái cơ cấu, xây dựng đề án xong, phải có tuyên truyền, xin ý kiến nông dân xem những bước đi trong đề án đặt ra có thực hiện được hay không. Bởi đề án là chủ trương, kế hoạch, hướng dẫn... còn người thực hiện là nông dân, cán bộ cơ sở”. 

Ông Nguyễn Công Tạn
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn cũng đồng ý lấy nông dân làm trọng tâm để từ đó “phát triển nền nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh xoay quanh trục phát triển các ngành hàng có lợi thế, có ổn định cao, đem lại nhiều lợi nhuận cho nông dân, đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.

Những đề xuất này là đúng đắn. Bởi lẽ, nếu chỉ bàn tái cơ cấu một cách chung chung, hô hào tái cơ cấu, kêu gọi đầu tư, nghĩ ra nhiều mô hình, phát động nhiều phong trào… nhưng không biết tái cơ cấu cho ai, họ có nhu cầu gì, khả năng đáp ứng nhu cầu thế nào… thì sẽ dấn thân vào cuộc hành trình đại lãng phí và vô định.

Rất may, tại buổi làm việc giữa các chuyên gia tư vấn xây dựng Đề án tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp (tỉnh đi đầu cả nước trong xúc tiến tái cơ cấu nông nghiệp), lãnh đạo tỉnh này và nhiều chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp đã khẳng định, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp để nâng cao đời sống nông dân, làm đổi mới nông thôn là việc làm cần thiết, cấp bách, như một cách để “trả nợ” nông dân sau bao năm nông dân và nông thôn nỗ lực vượt khó, thực hiện sứ mệnh quan trọng của mình với đất nước nhưng bản thân họ còn đang khó khăn trăm bề.

Như thế, cửa thoát hiểm đã mở. Nông dân chính là người sẽ hiện thực hóa hành trình tái cơ cấu này. Cần có kịch bản chi tiết cho tái cơ cấu để nông dân đi đúng đường, gánh đúng sức của mình.

Hiểu biết thị trường

Theo TS Đào Thế Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống Nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), “Nước ta thường có chỉ đạo là tập trung vào sản xuất một số mặt hàng chính. Nhưng cách này đi ngược với quy luật thị trường. Bởi nếu sản phẩm gì nhiều quá, giá sẽ giảm. Đây là quy luật chung. Trên thế giới, các nước đều tìm cách tránh tình trạng này”.

Đặc biệt, theo nhìn nhận của TS Đào Thế Anh, “hiện nay rất nhiều cuộc thảo luận về tái cơ cấu nông nghiệp mới tập trung bàn về hộ nông dân, quy hoạch sản xuất nhưng chưa thấy đề cập đến thị trường là ai, xuất khẩu ở đâu, thị trường trong nước như thế nào? Rồi thì, nói đến thị trường cũng thường chỉ hay nói đến xuất khẩu nhưng chưa đi vào chi tiết là xuất khẩu cái gì, ở thị trường nào, tiêu chuẩn chất lượng thế nào… tức là chưa có thông tin cụ thể về thị trường”.

TS Đào Thế Anh
Vì thế, muốn tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị để tăng thu nhập, TS Đào Thế Anh đề nghị, “Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải có nghiên cứu rất kỹ về thị trường trước khi thực hành sản xuất trong tái cơ cấu. Vì hiện nay, các chính sách bàn ra chủ yếu nói dựa trên kinh nghiệm chủ quan của một số chuyên gia mà chưa có căn cứ nghiên cứu về thị trường. Nếu có nghiên cứu thị trường sẽ cho rất nhiều ý tưởng mới về tái cơ cấu”.

Chúng tôi thấy, nhiều chuyên gia cùng quan điểm phải sản xuất để phục vụ nhu cầu thị trường, không làm lấy được một cách mù mờ, cảm tính như đang diễn ra. Nói theo TS Đặng Kim Sơn, “lâu nay ta làm theo cách có gì thì phát triển cái đó. Còn nay phải đi theo cách làm ra những sản phẩm thị trường cần trên cơ sở chọn lựa từ tiềm năng, thế mạnh của mình”.

Sự “gặp nhau” trong quan điểm nhiều chuyên gia về việc cần xuất phát từ nhu cầu thị trường, đến thời điểm này, so với nguyện vọng của nông dân, như anh Huỳnh Văn Sơn (ở Thạnh Hóa, Long An, chúng tôi đã đề cập), là muốn có kiến thức, thông tin thị trường để tự tin sản xuất cái gì cho hợp, rõ ràng các bên đang tiến lại gần nhau. Dây “trói” nông nghiệp đã lỏng thêm một nấc. Nó khẳng định rằng, hiểu thị trường là nhu cầu cấp thiết cho lộ trình tái cơ cấu nông nghiệp.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý thêm về đề xuất của TS Đào Thế Anh rằng, tái cơ cấu cây trồng phải đặt trong mối quan hệ tổng thể cả nền nông nghiệp (giữa trồng trọt với chăn nuôi, thủy sản…). Nước ta có nhiều tiềm năng về trồng trọt, lại đang trong ngưỡng cửa hội nhập rộng và sâu với thế giới, cơ hội sẽ nhiều lên, nhưng thách thức cũng tăng. Vì tái cơ cấu, thực ra là “tạo ra một cơ cấu kinh tế do thị trường quyết định. Trong nền kinh tế thị trường, nếu ta không tiếp cận được thị trường thì sẽ không có động cơ để thúc đẩy sản xuất”.

Cho nên, bên cạnh nắm bắt cơ hội, tiếp cận các thị trường quốc tế, nông sản Việt cần quan tâm hơn đến đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa. Vì dân số nước ta, theo thống kê mới nhất, đến 1/11/2013 đã đạt 90 triệu dân, đây là một thị trường “màu mỡ” nếu sản phẩm làm ra chinh phục được khách hàng.

Về chiến lược, “không cần thiết chỉ tập trung vào một số sản phẩm chính (ví dụ như lúa, cà phê…) như hiện nay. Điều này rất nguy hiểm do luôn có rủi ro lớn, vì giá cả hàng hóa thế giới luôn biến động, áp lực giảm giá lớn. Chúng ta vẫn cần đa dạng hóa sản phẩm một cách có cơ sở khoa học và thực tiễn. Đa dạng sản phẩm, tăng chất lượng sẽ có nhiều loại thị trường hơn, rủi ro ít hơn”- TS Đào Thế Anh gợi ý.

Liên kết thực chất

Yêu cầu về lộ trình cho tái cơ cấu nông nghiệp đã được chỉ ra: Cần đổi mới tư duy quản lý là trước tiên, rồi xác định đúng vị trí người nông dân là chủ thể chính, nghiên cứu nhu cầu thị trường. Nếu làm được 3 bước quan trọng nêu trên, để đáp ứng được thị trường, cỗ máy sản xuất và tiêu thụ nông sản phải được vận hành đúng.

TS Lê Đức Thịnh
Trước hết, theo TS Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT: “Phải tái cơ cấu về thể chế, thực chất là tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, trong đó phải thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, với chủ đạo là kinh tế hợp tác xã hoặc kinh tế tổ sản xuất. Mặc dù không có doanh nghiệp thì rất khó kéo sản xuất phát triển lên, nhưng doanh nghiệp mà không có HTX, không có kinh tế tập thể thì cũng không phát triển được. Nói cách khác, giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp muốn tiến lên thì phải tiến đồng thời cả ba”.

Đề xuất của TS Thịnh đề cập đến một hành động không thể thiếu nhằm “xốc nách” nông nghiệp tiến lên. Đó là sự liên kết, hợp tác giữa các bên tham gia làm nông nghiệp. Nhớ lại câu chuyện về sự “khó bắt tay” giữa doanh nghiệp và nông dân tại nhiều tỉnh, thì thấy điểm “tắc” là không có cơ sở xây dựng niềm tin để các bên hợp tác với nhau. Mặc dù tại tỉnh Đồng Tháp, Thái Bình, Long An… đã có một số mô hình liên kết có hiệu quả bước đầu. Song, tính bền vững chưa được khẳng định, đôi bên còn “dè chừng” nhau.

Ở điểm này, theo nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, nếu chỉ nói liên kết “4 nhà”(Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, nhà doanh nghiệp) là không còn phù hợp. Cần phải có thêm tổ chức kinh tế của nông dân là hợp tác xã do nông dân lập ra và nó phục vụ cho quá trình sản xuất và tiêu thụ nông sản do nông dân làm ra. Vì dù sao, “doanh nghiệp vẫn là kinh doanh vì lợi nhuận, không thể làm dịch vụ phi lợi nhuận cho nông dân. Nhà nước và nhà khoa học cũng không thể trực tiếp làm hộ cho nông dân được”.

Như vậy, “4 nhà” hay “5 nhà” hoặc con số nào đó không quá quan trọng. Cái cần cho nền nông nghiệp bền vững phải là thực chất hóa các mối liên kết. Vì “nhà” nào cũng có vai trò quan trọng nếu nó làm tròn trách nhiệm của mình. “Nhà” nào cũng phải hành xử theo luật pháp. Khi bắt tay liên kết, các nhà đều phải tạo dựng và giữ chữ tín, cùng có lợi. Qua quá trình liên kết bước đầu ở một số địa phương đã chứng minh, liên kết là xu hướng, là cách hiệu quả nhất để phát triển nông nghiệp bền vững. Và “bộ 3 chân kiềng để lo cho dân” như nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đề cập (trong bài trước) là thực sự cần thiết. 

Và dù gì, Nhà nước vẫn phải luôn là “nhạc trưởng”. Vì các mối liên kết không thể bền vững chỉ dựa niềm tin. Nó cần cơ chế hỗ trợ từ Nhà nước. Nhà nước không nên đứng ngoài cuộc. Theo Thạc sĩ Trương Quốc Cần, “Nhà nước cần đầu tư, tạo hành lang chính sách để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư khác trong hoặc ngoài nước có thuận lợi nhất trong việc đầu tư vào nông nghiệp”. Vì rào cản lớn cho đầu tư ngoài nhà nước vào nông nghiệp hiện là thời gian hoàn vốn lâu, rủi ro cao. Nguyên nhân là Nhà nước thiếu cơ chế, chính sách đồng bộ để giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư (thông qua chính sách cụ thể về bảo hiểm, đất đai, ưu đãi đầu tư…). Đặc biệt, “nếu bây giờ thấy tư nhân chưa mặn mà đầu tư vào nông nghiệp mà Nhà nước quay ra lấy tiền ngân sách để đầu tư thì đó lại là một sai lầm gấp đôi”- Thạc sĩ Cần lưu ý. Tức là, Nhà nước phải tạo hành lang pháp lý để giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư. Hơn nữa, Nhà nước chỉ cần có chính sách định hướng vĩ mô, còn phân quyền cho các địa phương tự chủ, tự quyết chi tiết. Nhà nước sẽ giám sát địa phương thực hiện và kiểm định kết quả./.Đón đọc bài cuối: Giải pháp nào gia tăng giá trị nông sản?