Từ nguồn cơn nông dân chán ruộng (như đã phản ánh trong các bài trước), ruộng đồng dù sao vẫn là tài sản không dễ chối bỏ đối với người nông dân. Chuyện bỏ ruộng, chuyển nghề là “cực chẳng đã” mang tính nhất thời. Trong tâm tư nông dân, họ vẫn khát khao thoát nghèo từ chính ruộng đồng. Ruộng đồng cũng vẫn giàu tiềm năng sinh ra của cải. Có điều, các tiềm năng ấy như đang bị “trói” nên nông nghiệp, nông dân mới ra cơ sự như hiện nay.
Nông dân “đói” kiến thức... làm ruộng
Anh Huỳnh Văn Sơn, ở Ấp 1, xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An. Anh Sơn là người đã viết “tâm thư” gửi Bộ trưởng Bộ NN-PTNT giãi bày những khó khăn mà nông dân như anh đang gặp phải, đồng thời kỳ vọng những đề xuất, tâm nguyện của anh được vị tư lệnh ngành Nông nghiệp quan tâm, tìm “lối ra” cho người trồng lúa nói riêng và nông dân nói chung.
Nhiều nông dân muốn chuyển đổi cây trồng nhưng còn thiếu kiến thức để thực hiện |
Anh Sơn trăn trở: “Trước kia làm ra 2-3 tấn/ha đã đủ ăn. Giờ làm ra tới cả 8-10 tấn/ha, gạo dư thừa, nhưng mà càng làm càng thiếu nợ tùm lum”. Vì cây lúa khó khăn như vậy, nên anh Sơn tự hỏi: “Tại sao không trồng bắp, đậu tương, đậu phộng? Tôi có một số bạn bè tại An Giang, Đồng Tháp, họ trồng bắp, có thể lời tới 50-60 triệu đồng/ha, thời gian của vụ bắp cũng tương đương vụ lúa. Giờ tôi muốn làm bắp nhưng chưa biết đất của mình có phù hợp không. Nếu đất hợp, cũng không biết kỹ thuật làm”.
Hiện tại, đa số nông dân tại xã Tân Đông đang đổ xô trồng lúa nếp vì lãi hơn lúa tẻ. Và, “nếu cấy lúa tẻ, giá bán tiếp tục thấp, nông dân sẽ chạy qua trồng nếp hết. Nhưng không rõ cây nếp nó có bền vững không, hay trồng nhiều thì nó lại rẻ như lúa thường?”- anh Sơn tự hỏi.
Anh Sơn bảo: “Nông dân như tôi thì nguồn thông tin và kiến thức đều hạn chế. Muốn chuyển đổi cây trồng mà không biết trồng gì, thị trường cần gì. Lâu nay mình làm ruộng kiểu thấy người ta làm gì thì làm theo. Bây giờ tôi đang chờ Nhà nước làm tái cơ cấu nông nghiệp thế nào để cuộc sống nông dân dễ thở hơn...”.
Sự chờ đợi như anh Sơn cũng là của đa số nông dân mà chúng tôi gặp. Họ đang thiếu kiến thức và mắc kẹt trong nghịch lý của nền nông nghiệp. Bởi nền nông nghiệp nước ta được ghi nhận là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, là giá đỡ cho nền kinh tế khi khủng hoảng; rồi thành tích về lượng nông sản xuất khẩu liên tục được ngợi ca. Song, nông dân hiện vẫn phải tự loay hoay với ruộng đồng, để rồi bĩ cực phải buông “tấc vàng”... Cơ sự, như ông Nguyễn Xuân Hồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Long An nói: “Vừa qua, người dân tự bơi là chính. Nếu cứ để người làm nông nghiệp tự bơi thì càng làm càng nghèo”.
Vậy, tái cơ cấu có “cởi trói” được cho nông nghiệp khỏi tình trạng hiện nay? Câu trả lời vẫn còn ở rất xa. Trước mắt, nông dân muốn biết: Ai là người sẽ giúp họ có kiến thức làm ruộng? Ai là người sẽ giúp họ biết rõ đất của mình nên trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp. Sản phẩm họ làm ra sẽ bán cho ai, kỳ vọng gì ở giá?... Nói cách khác, “tái cơ cấu” thế nào cho “chín” để nông dân được thực hưởng thành quả? Chúng tôi đem các câu hỏi này đến hỏi nhiều chuyên gia, nhà quản lý liên quan đến nông nghiệp.
TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp, Nông thôn (Bộ NN - PTNT), người đau đáu tìm cách gỡ khó cho nông nghiệp, khẳng định: Nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng thời gian qua đến chủ yếu từ khai thác tài nguyên, lạm dụng phân bón hóa học cho ra khối lượng sản phẩm lớn, nhưng chất lượng sản phẩm thấp, giá rẻ, giá trị gia tăng không có. Đó là tăng trưởng nhanh nhưng không vững bền. “Cách tăng trưởng như thế, đã kéo quá dài, lẽ ra phải kết thúc từ năm 2.000, chậm lắm là năm 2005-thời kỳ đỉnh của nó. Từ đó đến nay, phát triển nông nghiệp theo kiểu vạc vào chân mình rồi. Như vậy, tái cơ cấu nông nghiệp là việc làm cấp bách.”- TS Sơn nhấn mạnh.
Tái cơ cấu từ tư duy nhà quản lý
Cũng với quan điểm cần sự đột phá này, ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, người nhiều năm gắn bó với nông nghiệp và được coi là người đã có công trong việc “cởi trói” cho nông nghiệp An Giang bứt phá một thời. Ông Nhị khẳng định: “Tái cơ cấu nông nghiệp, trước hết phải tái cơ cấu tư duy người quản lý, lãnh đạo trong ngành nông nghiệp. Mỗi giai đoạn cần cách phát triển khác nhau, nhà quản lý phải có định hướng để lái sản xuất theo”.
Phân tích rõ hơn, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn chỉ ra: “Trước đây, do nước ta có tới 4 thập kỷ đói triền miên. Đảng, Nhà nước ta đã tập trung phát triển nông nghiệp, sau Nghị quyết 10 (Nghị quyết của Bộ Chính trị số 10-NQ/TW về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp, ngày 5/4/1988), là phát triển sản xuất toàn diện, lấy trục trung tâm là phát triển lúa gạo. Coi đó là bảo bối về an ninh lương thực để ổn định và phát triển đất nước. Nghị quyết 10 là bước nhảy vọt về tư duy, nó tạo động lực vào thời gian đó. Đến nay, động lực đó đã khai thác hết, cần phải tìm động lực mới. Đó là thay đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên cơ sở tư duy đổi mới”.
Còn TS Đặng Kim Sơn đề nghị: “Đổi mới mô hình phát triển nông nghiệp không thể bắt đầu từ thượng tầng kiến trúc xuống, mà phải bắt đầu từ cơ sở, có thể từ một doanh nghiệp, một hợp tác xã, một huyện hoặc từ một tỉnh”.
Cần bộ 3 chân kiềng để hỗ trợ nông dân
Qua thực tế cho thấy, nông dân bỏ ruộng là chuyện bất đắc dĩ. Nông dân đang cần được được hỗ trợ về phương hướng, kiến thức và vốn để sản xuất có hiệu quả hơn trên ruộng đồng. Vì số nông dân muốn bỏ ruộng đi làm việc khác chưa phổ biến, thậm chí đi làm việc khác nhưng vẫn giữ ruộng, cho thuê ruộng, vì việc khác chưa ổn định.
Quy luật chuyển dịch lao động trong xu hướng CNH-HĐH đất nước sẽ dẫn đến nông dân làm ruộng ngày càng ít đi. Rất nhiều lao động nông nghiệp sẽ chuyển sang làm dịch vụ, công nghiệp… “Đó là hướng phù hợp quy luật kinh tế, đáng hoan nghênh. Và, dứt khoát nếu theo quy luật sẽ phải đi theo chiều hướng đó”- nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đồng tình.
Bởi vì, khi nông dân rời khỏi ruộng để làm việc khác, phần ruộng họ để lại sẽ mở ra cơ hội giao cho người làm nông nghiệp giỏi, có năng lực đầu tư để nâng cao năng suất đất, làm giàu từ nông nghiệp. Hướng này đã xuất hiện ở nhiều nơi.
Chẳng hạn, tại thôn Minh Xuyên (xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), gia đình anh Bùi Quốc Sự đã thuê gom 6 ha đất trồng lúa rồi chuyển sang trồng mầu từ 3 năm nay. Nhờ ruộng đồng được tích tụ với diện tích lớn, anh Sự đã mạnh dạn đầu tư vốn, công nghệ... vào trồng bí, ngô... cho năng suất và thu nhập cao. Cùng đó, một số hộ dân cho anh Sự thuê đất và đã trở thành người làm thuê cho anh Sự trên chính ruộng đồng của họ. Cả hai bên đều thấy hài lòng và đất đai không bị hoang hóa. Anh Sự bảo: “Nếu chính sách đất đai ổn định, được nhà nước hỗ trợ cho vay vốn thì sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất”.
Cho nên, theo nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, Nhà nước một mặt cần cấp bách tạo việc làm khác để chuyển bớt lao động nông nghiệp sang nhằm nâng cao đời sống cho người rời ruộng. Đồng thời, “những người tiếp tục làm ruộng thì Nhà nước phải định hướng cho họ làm cây gì, con gì để thu được nhiều lãi hơn, có thị trường ổn định để họ không bơ vơ trong cơ chế thị trường. Vì hiện nay, nông dân không biết bấu víu vào đâu để phát triển. Kiến thức của nông dân về cây gì, con gì, đầu vào, đầu ra… đều thiếu. Rồi thiếu vốn nên phải vay ngân hàng, dù không dễ mà lãi suất lại cao... nên đã nghèo càng thêm nghèo”.
Theo nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, bất cứ nước nông nghiệp nào phát triển trên thế giới, người ta đều tạo ra bộ “3 chân kiềng” để lo cho dân. Một là, giúp nông dân tích tụ ruộng đất để trở thành hộ sản xuất hàng hóa lớn, lâu dài. Hai là, phải có hợp tác xã dịch vụ kiểu mới do nông dân góp vốn lập ra, để lo đầu vào, đầu ra của sản xuất. Ba là, tổ chức tín dụng nông thôn do nông dân góp vốn lập ra để đáp ứng nhu cầu vốn của chính nông dân, lãi thu được lại chia cho nông dân.
Cả 3 yếu tố chân kiềng này cộng lại, rồi liên kết với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ..., không phải bằng kênh hành chính, mà bằng các hợp đồng kinh tế. Từ đó, tạo chỗ dựa cho nông dân phát triển nghề của mình.
Rõ ràng, ruộng đồng và người nông dân không phải là “thủ phạm” gây ra khó khăn cho nông nghiệp, nông dân. Nguyên nhân là do tư duy quản lý, điều hành; do cách thức làm nông nghiệp không còn hợp thời. Do đó, tái cơ cấu nông nghiệp là cấp bách, nhưng phải biết bắt đầu từ đâu để đạt đến đâu, làm gì và làm như thế nào để phát triển bền vững? “Lối thoát” đã được chỉ ra rằng, tái cơ cấu nông nghiệp phải bắt đầu từ tư duy nhà quản lý nông nghiệp. Nhà nước phải tạo ra động lực mới để đánh thức tiềm năng từ ruộng đồng, kích thích sức dân. Vai trò “nhạc trưởng” của Nhà nước là không để chủ trương tái cơ cấu trở thành phong trào, không khơi ra nhiều mô hình rồi nông dân lại vẫn bơ vơ giữa cánh đồng. Nói như ông Nguyễn Minh Nhị: “Khi tái cơ cấu, những thứ làm theo phong trào, đề nghị phải dẹp bỏ, vì nó rất nguy hiểm, chỉ tạo ra từng đợt sóng, rồi đổ vỡ”./.Đón đọc bài 4: Cần thực chất hóa các liên kết trong nông nghiệp