Những ngày vừa qua, việc Trung Quốc liên tục phá giá đồng Nhân dân tệ, giá vàng thế giới tăng, NHNN điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá USD/VND đã khiến thị trường ngoại tệ, vàng liên tục biến động theo hướng tăng.

Tại TP HCM, mặc dù giá USD và giá vàng biến động liên tục nhưng không có đột biến ở hoạt động mua vào - bán ra. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng đang đứng trước nỗi lo về những tác động của việc phá giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc.

Để hiểu thêm về vấn đề này, phóng viên VOV tại TP HCM đã phỏng vấn PGS. TS. Trần Hoàng Ngân, chuyên gia kinh tế, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính- Marketing. 
PV:Thưa ông, những ngày gần đây, Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều chỉnh tăng biên độ giao động tỷ giá tiền đồng so với USD, giá vàng và USD trong nước liên tục tăng, các biến động này có mối liên hệ với nhau như thế nào?

PGS. TS. Trần Hoàng Ngân: Trong 3 ngày qua, xuất phát từ việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ, đã ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam, bởi vì xuất nhập khẩu của Trung Quốc có tỷ trọng lớn nhất thế giới.

hinh_1_pheq.jpg
PGS.TS.Trần Hoàng Ngân trao đổi về việc phá giá đồng NDT và điều chỉnh biên độ tỷ giá ảnh hưởng đến thị trường vàng và ngoại tệ. (Ảnh: KT)
Đối với Việt Nam, xuất phát từ quan hệ thương mại song phương giữa hai nước, năm 2014 Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc 43,7 tỷ và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc 14,9 tỷ. Như vậy, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc khoảng 30 tỷ USD.

Do đó, việc phá giá đồng Nhân dân tệ sẽ tiếp tục làm cho hàng hóa từ Trung Quốc rẻ đi, có điều kiện xuất sang Việt Nam nhiều hơn và gây khó cho hàng Việt Nam xuất sang thị trường Trung Quốc. Cho nên, yếu tố đầu tiên là tác động đền giá cả hàng hóa hoạt động xuất nhập khẩu.

Để đối phó với tình hình này, Ngân hàng Trung ương ngày 12/8 đã điều chỉnh biên độ giao động tỷ giá trong ngày, thay vì +/- 1% đã nâng lên +/- 2%. Điều này dẫn đến giá USD trên thị trường Việt Nam được các ngân hàng thương mại đưa tỷ giá giao dịch gần sát mức trần. Về vàng thì do giá vàng thế giới tăng, cộng với tỷ giá nên giá vàng trong nước tăng.

PV: Trước tình hình này, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nhà đầu tư trong nước phải ứng phó như thế nào thưa ông?

PGS. TS. Trần Hoàng Ngân:Trước những biến động bất thường của thị trường tiền tệ Trung Quốc trong những ngày qua, nhất định Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ có những can thiệp để góp phần ổn định tỷ giá trên thị trường.

Việt Nam chúng ta, với lượng ngoại tệ đủ mạnh cùng chính sách tiền tệ linh hoạt, sẽ hoàn toàn có thể kiểm soát tình hình tỷ giá trong nước, tuy nhiên các doanh nghiệp cũng phải hết sức lưu ý.

Mặt khác, Chính phủ sẽ có những hỗ trợ kịp thời cho xuất khẩu và đặc biệt xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc chỉ chiếm 10% trong giá trị kim ngạch xuất khẩu, 90% còn lại là sang thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, ASEAN. Do đó, Chính phủ sẽ tiếp tục xúc tiến thương mại, hỗ trợ lãi suất, cải cách hành chính để giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục đứng vững với những biến động tiền tệ vừa rồi.

PV: Với những biến động liên tục trên thị trường, ông đánh giá như thế nào về việc điều chỉnh tỷ giá lần này của Ngân hàng Nhà nước?

PGS. TS. Trần Hoàng Ngân:Việc điều hành chính sách tỷ giá ở Việt Nam có hai nhóm yếu tố tác động. Tác động từ bên ngoài do tình hình kinh tế thế giới hiện nay. Việc tăng mạnh chỉ số đồng USD trong những tháng qua, sự giảm giá của đồng Nhân dân tệ gây áp lực cho điều chỉnh tỷ giá của NHNN. Yếu tố bên trong là xuất khẩu tốc độ tăng có chậm đi, nhập siêu có tốc độ tăng lên.

Trước tình hình này, rõ rằng Việt Nam phải điều chỉnh tỷ giá. Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá như vậy là hợp lý, kịp thời linh hoạt, cùng với nhịp đập chung của thế giới và tình hình kinh tế trong nước.

PV: Xin cảm ơn ông!./.