Ở thị trường trong nước, giá vàng SJC mở cửa phiên giao dịch tuần, sáng 28/7,  ở giá 36,61-36,73 triệu đồng/lượng mua – bán tại TP HCM. Sau đó, suốt tuần, giá vàng thập thò lên xuống với biên độ hẹp, nhưng theo xu hướng giảm giá. Đỉnh giá của tuần này ở mức 36,75 triệu đồng/lượng vào 2 thời điểm, 11h15 ngày 28/7 và 15h15 ngày 29/7. Đáy giá của tuần rơi vào sáng 1/8 ở mức 36,6 triệu đồng/lượng.

giavangsjc_njwf.jpgDiễn biến giá vàng SJC tuần từ 28/7-2/8 (Nguồn: SJC)

Ở phiên cuối tuần, giá vàng có chiều hướng đi lên, khi trở lại mức giá 36,7 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, so giá đầu tuần và cuối tuần, giá vàng tuần này vẫn ở trạng thái giảm, với mức giảm cụ thể là 60.000 đồng/lượng chiều mua vào, 30.000 đồng/lượng chiều bán ra. Mức giảm này không lớn, nhưng nó kéo dài thêm đà giảm giá của vàng SJC trong suốt 3 tuần qua.

Trên thị trường thế giới, giá vàng cũng bắt đầu tuần này ở mốc 1.303 USD/oz, nhưng đến cuối tuần chốt ở 1.294 USD/oz, giảm 9 USD sau 1 tuần. Diễn biến trong suốt tuần, giá vàng thế giới cũng theo xu hướng giảm giá làm chủ đạo. Giá chỉ có xu hướng tăng trở lại từ chiều 31/7, nhưng sức tăng yếu nên giá chốt tuần không vượt được giá mở cửa tuần.

Diễn biến giá vàng thế giới tuần qua (Nguồn: Kitco News)

Nếu nhìn theo diễn biến biểu đồ giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, rõ ràng tuần này, vàng thế giới tăng trở lại sớm hơn vàng trong nước 1 ngày. Tuy nhiên, nhìn chung, giá vàng SJC vẫn bám theo đà tăng – giảm của vàng thế giới. Điều đáng chú ý nữa, vàng SJC vẫn tiếp tục neo ở mức giá cao hơn vàng thế giới trong ngưỡng từ 3,2-3,6 triệu đồng/lượng.

Nhìn chung, giá vàng tiếp tục trải qua một tuần ảm đạm. Mặc dù nhiều dự báo kỳ vọng vào tình hình căng thẳng địa chính trị tại nhiều nơi trên thế giới, như Nga, Ukraine, Israel… thì vàng sẽ được chọn làm nơi trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư, nhưng thực tế, những xung lực này chưa đủ sức kích thích giá vàng tăng lên./.