Xu hướng giảm giá là điểm nổi bật của giá vàng trong nước tuần qua. Cùng với đà giảm của giá vàng thế giới, đã có lúc giá vàng trong nước giảm tới 200.000 đồng/lượng.
Vàng trong nước giảm đến 200.000 đồng/lượng
Chốt phiên giao dịch tuần này, giá vàng SJC trong nước được các công ty kinh doanh vàng bạc niêm yết ở mức mua vào 36,62 triệu đồng/lượng. Giá bán ra ở mức 36,82 triệu đồng/lượng. So với cùng thời điểm của tuần trước, giá vàng trong nước thấp hơn 30.000 đồng/lượng.
Cuối tuần trước, kết thúc phiên giao dịch, giá vàng trong nước đứng ở mức 36,85 triệu đồng/lượng. Ngay khi mở cửa giao dịch đầu tuần, giá vàng trong nước đã bắt đầu xu hướng giảm. Phiên giảm giá mạnh nhất ghi nhận được trong tuần là ngày 22/7, giá vàng trong phiên này giảm tới 60.000 đồng/lượng.
Trong tuần này, giá vàng trong nước chỉ có một phiên tăng giá duy nhất vào ngày 21/7, khi đó giá vàng trong nước đạt mức cao nhất tuần ở 36,85 triệu đồng/lượng. Cùng với đó, sau nhiều phiên giảm giá, vàng trong nước đã có phiên chạm đáy ở mức 36,62 triệu đồng/lượng.
Ghi nhận mức độ giao dịch trên thị trường vàng trong tuần qua, theo thông tin từ Công ty vàng Bảo Tín Minh Châu, do ảnh hưởng từ đợt giảm mạnh của thế giới, giá vàng trong nước cũng sụt giảm 5 phiên liên tiếp. Tuy vậy, lượng khách hàng giao dịch tại công ty vẫn rất lớn, lượng khách mua vào vẫn nhiều hơn bán ra.
Phát biểu trên Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Kinh doanh vàng miếng của Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết, lượng vàng miếng bán ra của PNJ trong tuần đã giảm một nửa so với đầu và giữa tháng 6, khối lượng giao dịch chỉ đạt khoảng 200 - 250 lượng/ngày. Doanh số mua vào cũng gần ngang với lượng bán ra.
Công ty VBĐQ Sài Gòn (SJC) cũng cho hay, số lượng vàng bán ra tại Công ty hiện chưa bằng một nửa so với thời điểm tháng 4-5/2014 và sụt giảm mạnh so với tuần trước. Nếu như trong tuần trước, khối lượng vàng bán ra trung bình mỗi ngày của SJC đạt 2.000 lượng, sang tuần này chỉ còn 1.500 lượng/ngày, có ngày mức giao dịch còn thấp hơn.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, thị trường vàng đang trong vùng nguy hiểm, mức chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước còn khá lớn, lên đến 3-4 triệu đồng/lượng, do vậy khả năng vàng sẽ còn điều chỉnh trong thời gian tới đây và mặt hàng này khó có thể “bật” mạnh trong thời gian tới.
Vàng thế giới giảm sâu nhất trong 1 tháng
Giá vàng thế giới tăng giá trở lại trong phiên cuối tuần sau 3 phiên giảm liên tiếp liên tiếp. Trong tuần đã có lúc giá vàng thế giới sụt giảm về mức 1.289 USD/oz là mức thấp nhất trong vòng 1 tháng qua.
Chốt phiên phiên giao dịch cuối tuần này, giá vàng giao ngay tại thị trường quốc tế tăng 14,4 USD, lên 1.308 USD/oz; giá vàng tháng 8 đạt mức 1.303 USD/oz. Dù tăng khá mạnh trong phiên cuối tuần nhưng tính chung trong tuần này giá kim loại quý vẫn giảm, nối dài đà trượt 2% của tuần trước.
Giá vàng giảm trong tuần chủ yếu là bởi các đồn đoán cho rằng thị trường lao động khởi sắc tại Mỹ có khả năng dẫn tới một đợt tăng lãi suất sớm.
Theo quan sát của các nhà phân tích, giá vàng liên tục lùi về mức thấp trong bối cảnh các thị trường chứng khoán đều tăng cao. Chứng khoán toàn cầu đã tăng liên tiếp trong 2 tuần, sau khi Mỹ ghi nhận mức thu nhập cao hơn dự báo và có nhiều dấu hiệu cho thấy tăng trưởng sản xuất toàn cầu bắt đầu khả quan.
Tuy nhiên, trong phiên cuối tuần qua, giá vàng đã bắt đầu tăng trở lại sau khi Mỹ tìm cách tạo ảnh hưởng tới lập trường quốc tế bằng những ám chỉ chưa có căn cứ và đổ lỗi cho Nga trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Bên cạnh đó, chỉ số chứng khoán giảm đà sau báo cáo lợi nhuận quý không mấy lạc quan của hãng bán lẻ trực tuyến Amazon càng khiến giá vàng đi lên. Hơn nữa, thị trường đang ngóng chờ báo cáo việc làm của Mỹ cũng như kết quả cuộc họp của Hội đồng thị trường mở liên bang trong tuần tới.
Thêm vào đó, giá vàng có phần tăng mạnh khi Mỹ và EU ban bố lệnh trừng phạt mới đối với Nga xung quanh những căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Vụ tai nạn máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia tại miền Đông Ukraine dường như cũng làm gia tăng áp lực bứt phá cho giá vàng./.