Reuters cho biết, trong cuộc họp ngày hôm qua (17/4) tại Thủ đô Doha (Qatar), các nước khai thác dầu lớn trong và ngoài Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã không đạt được thỏa thuận giới hạn sản lượng dầu (đóng băng sản lượng).

97284_s4_reutersmedia_net_jyld.jpg
Các cường quốc dầu mỏ không đạt thỏa thuận giới hạn sản lượng dầu. (Ảnh: Reuters)
Phản ứng đầu tiên của thị trường là giá dầu đã giảm mạnh khi mở cửa phiên giao dịch đầu tuần vào sáng nay (18/4).

Lúc 7h30' sáng nay (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 40,86 USD/thùng, giảm 5,2% so với mức giá cuối tuần trước. Giá dầu WTI của Mỹ cũng giảm 5,7%, còn 38,06 USD/thùng.

Bộ trưởng Năng lượng Qatar Mohammed Bin Saleh al-Sada cho hay, sau 6 giờ đàm phán, các nước khai thác dầu đều tuyên bố cần thêm thời gian.

Theo các nguồn tin trong ngành dầu mỏ, các thành viên OPEC nói với các nước nằm ngoài tổ chức này rằng trước tiên họ cần đạt được thỏa thuận trong nội bộ OPEC, có thể là trong một hội nghị vào tháng 6/2016. Sau đó, OPEC có thể mời các nước khai thác dầu khác tham gia thỏa thuận này.

Ngày 17/4, 18 nước khai thác dầu lớn, trừ Iran, họp tại Doha để thảo luận về khả năng giới hạn sản lượng dầu thô ở mức tháng 1/2016 nhằm vực dậy các thị trường dầu đang chao đảo và đẩy giá dầu lên cao.

Bộ dầu mỏ Iran khẳng định nước này không tham gia kế hoạch giới hạn sản lượng dầu chừng nào Iran chưa khôi phục được mức khai thác như trước khi bị cấm vận. Phía Saudi Arabia ngày 16/4 cũng nhắc lại sẽ không giới hạn sản lượng, nếu Iran không có hành động tương tự.

Trước cuộc họp tại Doha, OPEC đã hạ dự báo về sức tăng nhu cầu dầu thế giới năm nay và dự báo sẽ còn tiếp tục giảm. Giá dầu thô hiện đã giảm khoảng 60% so với giữa năm 2014, trong bối cảnh dư cung lớn mà một trong những nguyên nhân là do một số thành viên OPEC không chịu cắt giảm sản lượng. Nhiều nước khai thác dầu đã thiệt hại hàng trăm tỉ USD, dẫn đến tình trạng thâm hụt ngân sách lớn do giá dầu sụt giảm./.