Sáng nay (15/5), Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo về nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo đặc sản của địa phương.
Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, Việt Nam là cường quốc thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo, nhưng phần lớn là gạo chất lượng thấp, chưa có những thương hiệu gạo mạnh. Diện tích, sản lượng lúa chất lượng cao còn ít, tỷ trọng xuất khẩu chưa nhiều. Vì vậy, yêu cầu tái cơ cấu toàn diện ngành lúa gạo theo hướng giảm diện tích trồng lúa thường, tăng lúa chất lượng cao, hướng đến xây dựng thương hiệu lúa gạo là vấn đề cấp bách.
Trong khi đó, một số nghiên cứu chuỗi giá trị gạo đặc sản tỉnh Sóc Trăng cho thấy, tổng lợi nhuận trong chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo đặc sản vượt trội so với lúa gạo thông thường. Nếu kết hợp với phương thức tổ chức sản xuất phù hợp như mô hình cánh đồng mẫu lớn, tổ chức tốt và thực chất “liên kết 4 nhà” thì nông dân được hưởng tới 84% tổng số lợi nhuận của chuỗi.
Các nhà chuyên môn, nhà khoa học cũng nhấn mạnh thêm, các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phải xuất phát từ nhu cầu thực tế, vấn đề bức xúc gắn bó với sản xuất, đời sống; đồng thời có khả năng ứng dụng, đóng góp vào sự phát triển thiết thực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và vùng.
Ngoài ra, sản xuất lúa đặc sản theo hướng liên kết sản xuất và tiêu thụ trong thời gian qua cũng chưa bền vững, một số doanh nghiệp còn thiếu nguồn vốn và nhân lực thực hiện, tổ chức sản xuất của nông dân còn rời rạc. Trong khi đó khó khăn nhất của nông dân cũng như doanh nghiệp là vấn đề tiêu thụ khi thỏa thuận thu mua vẫn còn nhiều bất cập.
Vì vậy cần tổ chức lại sản xuât theo hướng liên kết nông dân – doanh nghiệp, đầu ra có nơi tiêu thụ ổn định, đảm bảo sản xuất có lãi, tăng thu nhập cho nông dân, hướng tới doanh nghiệp và nông dân đều có lợi. Tiếp tục nguyên cứu, khảo nghiệm các giống lúa ở các vùng sinh thái theo hướng nâng cao chất lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất…
Ông Vương Đức Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết: “Cần liên kết giữa Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương và Sở NN-PTNT cần phối hợp chặt với nhau để giúp bà con nông dân có thị trường ổn định. Vấn đề phân khúc thị trường cũng rất quan trọng”./.