Bộ Công Thương cho biết, khối lượng xuất khẩu khẩu gạo trong 4 tháng đầu năm 2015 ước đạt 2,04 triệu tấn, trị giá đạt 889 triệu USD. So với cùng kì năm 2014, lượng xuất khẩu giảm 0,5% giá trị giảm 5%. Giá xuất khẩu gạo trung bình quý I là 437 USD/tấn, giảm 5,1% so với cùng kỳ.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, kim ngạch xuất khẩu gạo sang một số thị trường chính sụt giảm mạnh so với cùng kì là do nguồn cung của các nước xuất khẩu dồi dào, tạo sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường. Trong khi một số nước xuất khẩu lớn như Thái Lan, Ấn Độ lượng tồn kho tăng cao. Đặc biệt là Thái Lan đang đẩy mạnh xuất khẩu gạo bằng nhiều biện pháp nhằm giành lại các thị trường quan trọng.

Dự báo về kế hoạch xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2015, ông Huỳnh Thế Năng, Tổng Giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II) cho biết, với một số thị trường có hợp đồng tập trung tại khu vực Đông Nam Á như Philippines, từ đầu năm 2015 đến nay, thị trường này mới nhập khẩu 300.000 tấn, dự kiến sẽ nhập thêm 500.000 tấn.

Theo đánh giá của ông Năng, trong ngắn hạn, từ khoảng cuối tháng 6 đến đầu tháng 7 năm nay, thị trường xuất khẩu gạo có thể sôi động trở lại. Ngoài Philippines, Việt Nam cũng đang thương thảo với thị trường Malaysia để quốc gia này nhập khẩu thêm gạo.

“Trước mắt, Việt Nam muốn giành được hạn ngạch nhập khẩu gạo từ các nước Đông Nam Á vẫn phải dựa vào yếu tố cạnh tranh về giá, cũng như các yêu cầu khác mang tính chuyên nghiệp. Trong trung và dài hạn, chính quyền và ngành nông nghiệp cần có quá trình chuyển hóa giống lúa, tổ chức hệ thống canh tác và tổ chức lại hệ thống hậu cần kĩ thuật. Nếu làm tốt được điều này và cùng với sực nỗ lực từ phía các doanh nghiệp, Việt Nam sẽ giữ lại được hầu hết các thị trường xuất khẩu gạo”, ông Năng chỉ rõ./.