Chiều 6/12, tại Trụ sở Chính phủ, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Tổ trưởng Tổ công tác số 2 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công chủ trì cuộc họp trực tuyến với các Bộ ngành Trung ương và 6 địa phương Thành phố Cần Thơ, Long An, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng và Kiên Giang nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.
Theo Quyết định 2185 ngày 21/12/2020, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn NSNN 2021 cho 6 địa phương là 27.463 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách địa phương là 19.351 tỷ đồng, nguồn vốn NSTW trong nước 4.817 tỷ đồng, nguồn vốn nước ngoài ODA là 3.295 tỷ đồng.
Ngay sau đó, các địa phương đã khẩn trương phân bổ kế hoạch đầu tư công sớm và đáp ứng theo các nguyên tắc, tiêu chí, bố trí kế hoạch đầu tư công theo quy định, ưu tiên bố trí vốn để hoàn trả ứng trước (3/6 địa phương đã hoàn trả hết toàn bộ số vốn ứng trước NSTW là tỉnh Kiên Giang, Trà Vinh và Thành phố Cần Thơ); bố trí hoàn thành dứt điểm các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020, số vốn còn lại mới bố trí cho các dự án chuyển tiếp hoàn thành sau năm nay theo tiến độ và các dự án khởi công mới.
Tính đến ngày 25/11/2021 theo số liệu báo cáo của Bộ Tài chính, ước tổng vốn đầu tư công giải ngân của 6 địa phương là 13.806 tỷ đồng bằng 50,27% kế hoạch được Thủ tướng chính phủ giao. Trong đó, 3 địa phương có mức giải ngân thấp dưới 60% kế hoạch là Cần Thơ (24,5%), Kiên Giang (46,4%); Sóc Trăng (56,9%), 3 địa phương có tỉ lệ giải ngân cao hơn 60% là Long An, Trà Vinh và Hậu Giang. Dự kiến đến hết tháng 1/2022, các địa phương giải ngân đạt 86,4% kế hoạch năm 2021…
Lý giải về nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công không đạt yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các địa phương cho biết, 5 khó khăn, vướng mắc chủ yếu là về hoàn thiện thủ tục đầu tư, thiếu nhân công tư vấn chuyên gia, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, khó khăn về việc tăng giá nguyên, vật liệu trong xây dựng và khó khăn về việc mua, nhập khẩu và vận chuyển máy móc, thiết bị để thực hiện các dự án đầu tư công.
Trước thực tế này, lãnh đạo một số bộ ngành Trung ương đề nghị, các địa phương rà soát tiến độ, đẩy nhanh các dự án; tiến độ thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tinh thần là đề cao tính kỷ luật, kỉ cương tăng cường kiểm tra, giám sát. Đặc biệt, lãnh đạo các địa phương được phân công phụ trách theo dõi về các dự án đầu tư công phải chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của đơn vị và xem đây là căn cứ đánh giá kết quả mức độ hoàn thành công việc trong năm nay.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhận định, năm nay do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trong đó các tỉnh ở khu vực ĐBSCL bị tác động nặng nề, cùng với các yếu tố không thuận lợi nên tốc độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, nguồn vốn ODA chỉ đạt 29% kế hoạch.
Nêu rõ việc giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa quan trọng trong quá trình khôi phục và phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong điều kiện bình thường mới, Phó Thủ tướng đề nghị, các bộ ngành Trung ương, lãnh đạo 6 địa phương triển khai nghiêm túc các Nghị quyết của Chính phủ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công theo đúng kế hoạch đã cam kết, theo đó tập trung rà soát từng dự án, khó khăn vướng mắc đến đâu xử lý đến đó, đặc biệt chủ động làm việc với các nhà đầu tư yêu cầu đảm bảo đúng tiến độ, đồng thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc nảy sinh trong quá trình triển khai các dự án.
"Sau khi kiểm tra, tôi đề nghị gắn việc giải ngân vốn đầu tư công với việc hoàn thành nhiệm vụ. Trong quyết định giao kế hoạch vốn đầu tư công 2022 sau khi tiếp thu đã cập nhật yêu cầu các địa phương gắn với trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ công chức viên chức đối với việc giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời tăng cường kiểm tra kiểm soát và thanh tra công vụ”, Phó Thủ tướng đề nghị./.