>> Xuất khẩu Việt Nam sang EU tăng 10% vào năm 2025

>> Việt Nam, EU có thể ký FTA vào tháng 6 này

Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đang hoàn tất đàm phán và kỳ vọng sớm ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) trong năm nay để mang lại lợi ích thật sự cho nền kinh tế của các bên tham gia.

hoi_thao_psbx.jpg
Hội thảo “FTA Việt Nam - EU: Hàm ý với cải cách chính sách và thể chế” tổ chức ngày 25/6 tại Hà Nội - (Ảnh: Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam cung cấp)

Nhiều chuyên gia kinh tế tại Hội thảo “FTA Việt Nam - EU: Hàm ý với cải cách chính sách và thể chế” tổ chức ngày 25/6 tại Hà Nội nhận định, đây là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Cũng giống như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam - EU được cho là sẽ tạo sức ép về đổi mới toàn diện chính sách và thể chế trong nước, nhằm tối đa hóa tác động tích cực cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực với nền kinh tế.

Biến thách thức thành cơ hội

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định, lợi ích mang lại từ FTA Việt Nam - EU rất lớn, do hàng hóa từ Việt Nam có tính bổ sung cao với thị trường đầy tiềm năng này. Cụ thể, GDP Việt Nam có thể tăng thêm 7-8% vào năm 2025; xuất khẩu của Việt Nam sang EU cũng tăng khoảng 10%, đặc biệt với ngành có lợi thế như dệt may, da giày, thủy hải sản... Ngược lại, EU cũng có những lợi thế lớn trong nhóm ngành dịch vụ, dược và sản phẩm công nghệ cao.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) -  (Ảnh: Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam cung cấp)

Tuy nhiên, theo TS. Cung, để tận dụng được những lợi thế này, Chính phủ Việt Nam phải đẩy mạnh cải cách thể chế, điều chỉnh chính sách phù hợp để tái cơ cấu nền kinh tế, mở cửa thị trường, cải thiện môi trường đầu tư, lao động, môi trường… Đây cũng sẽ là thách thức lớn, buộc doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ, tăng cường năng lực cạnh tranh, nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm nếu không muốn bị thua ngay trên “sân nhà”.

Viện trưởng CIEM nhấn mạnh lợi ích từ các hiệp định tự do thương mại không phải là điều hiển nhiên mà phụ thuộc rất nhiều vào đổi mới thể chế và chính sách nhằm biến các thách thức thành cơ hội, biến cơ hội thành lợi ích thực sự. Nói cách khác, thực hiện Hiệp định này sẽ đòi hỏi Việt Nam có những thay đổi quan trọng trong cơ chế chính sách và thể chế, nhằm tối đa hóa tác động tích cực cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực có thể xảy ra cho nền kinh tế.

Có 2 vấn đề lớn mà TS. Cung đặc biệt lưu ý trong quá trình thực thi FTA với EU, đó là cải cách thể chế trong nước và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế. Ông ví 2 yếu tố này như “2 cánh chim” mà nếu “đập đều” thì sẽ tạo được môi trường cạnh tranh tốt, giúp kinh tế tăng trưởng, xóa đói giảm nghèo…

Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, Jonh Nielsen cho rằng, những thách thức mà các nước tham gia FTA, trong đó có Việt Nam, phải đối mặt là nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh; cải thiện môi trường, kinh doanh và đầu tư; mở rộng thị trường.

Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, Jonh Nielsen -  (Ảnh: Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam cung cấp)

Ông Jonh Nielsen nhận định, những thách thức này đã bén rễ sâu vào trong các yếu kém về cơ cấu thể chế và chính sách của Việt Nam. Dù Chính phủ đã nỗ lực tiến hành cải cách thể chế trong vài năm gần đây, nhưng vẫn cần nhiều nỗ lực hơn nữa để đáp ứng các yêu cầu của hiệp định thương mại thế hệ mới, trong đó có FTA Việt Nam – EU, và TPP.

Đại sứ cũng lưu ý khi FTA giữa Việt Nam và EU được ký kết, Việt Nam cần chú trọng đến chính sách thể chế kinh tế và cần chuẩn bị tốt cho việc thực thi FTA.

Ông Piergiuseppe Fortunato, chuyên gia kinh tế tại Tổ chức Hội nghị Liên Hợp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAC), nhận định Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi và FTA với EU có thể thúc đẩy chuyển đổi và đa dạng hóa hơn.

Mặc dù vậy, ông Fortunato cho rằng, Việt Nam cần duy trì linh hoạt chính sách và áp dụng cách tiếp cận "luật mềm" để thiết lập các hướng dẫn toàn diện dựa trên sự minh bạch và trách nhiệm. Ông cũng gợi ý nên tập trung vào các lĩnh vực được ưu tiên trong hợp tác, cũng như những lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh.

Sức ép phải chữa “ung thư”

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Thương mại Đa biên (Bộ Công thương) chỉ ra rằng, nếu không có những FTA thế hệ mới sẽ không có cải cách thể chế và chính sách toàn diện. Tuy nhiên, FTA tạo ra cơ hội, nhưng tận dụng như thế nào lại là chuyện của mỗi quốc gia.

“Hiệp định này không chỉ là áp lực, mà còn tạo điều kiện cần thiết để chúng ta tiến hành một số cải cách, mà nếu không có hiệp định thì rất khó cải cách”, ông Thái nói.

Vụ trưởng Vụ Thương mại Đa biên cho biết hiệp định này có một chương chuyên về cải cách doanh nghiệp nhà nước, đồng thời khẳng định, điều quan trọng hàng đầu là cam kết mở cửa thị trường.

“EU có cách tiếp cận là có thể duy trì doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ở một số lĩnh vực như đảm bảo an sinh xã hội, nhưng các DNNN đó phải hoạt động minh bạch, và cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp tư nhân”, ông Thái nói.

Ông Oliver Massmann, Thành viên Ban Điều hành Eurocham bổ sung thêm: “Để khai thác lợi ích từ hiệp định, Việt Nam phải tiến hành một loạt cải cách thể chế, đặc biệt cải các DNNN. Họ hoạt động kém hiệu quả mà tôi gọi giai đoạn này là giai đoạn “ung thư”, và sức ép cải cách của Việt Nam là rất lớn”.

Ông Massmann đặt ra câu hỏi “Tại sao các quốc gia khác thất bại?”, và cho rằng đó là vì thể chế. “Một xã hội muốn phát triển thịnh vượng, dân chủ phải dựa trên thể chế tốt. Do đó, cải cách khu vực DNNN phải là chìa khóa, là then chốt cho Việt Nam,” ông nói.

Theo đại diện của Eurocham, năm 2013 EU là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu đạt 25 tỷ euro từ thị trường này. EU cũng là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào vào Việt Nam với 110 dự án năm 2013. EU đã cam kết hỗ trợ khoảng 400 triệu euro cho Việt Nam trong 6 năm tới.

Bà Trần Thị Thanh Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa của VCCI cho biết, Việt Nam có tới 96% doanh nghiệp với quy mô vừa và nhỏ. Hiện nay, liên kết chuỗi giá trị trong nước rất hạn chế, dẫn tới không kiểm soát được chất lượng và giá thành sản xuất cao.

Theo bà Tâm, vấn đề đặt ra là phải đẩy mạnh tái cấu trúc doanh ngiệp, giảm tỷ lệ thất nghiệp, đồng thời chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu cao trong sản xuất kinh doanh.

Bà khuyến nghị nên có cơ chế chính sách phù hợp và khắt khe hơn về thu hút vốn FDI, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, đặc biệt là các ngành chủ chốt như dệt may, da giày, gỗ, chế biến thủy sản, cũng như các thông tin liên quan đến nhu cầu thị trường, quy định chống bán phá giá.../.