Đây là hội thảo khoa học đầu tiên được tổ chức tại Nga sau khi Hiệp định về thương mại tự do được lãnh đạo các nước ký kết tại Kazakhstan ngày 29/5 vừa qua.
Hội thảo với chủ đề “Thành lập khu vực thương mại tự do giữa Liên minh Kinh tế Á-Âu và Việt Nam” do Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Viễn đông – Viện Hàn lâm khoa học Nga tổ chức đã hút sự quan tâm của các nhà khoa học đến từ nhiều trung tâm nghiên cứu uy tín của Nga và đại diện của các bộ ngành, báo chí tham dự, thảo luận.
Tại hội thảo, các nhà khoa học hàng đầu nghiên cứu về Việt Nam, các chuyên gia kinh tế và đại diện của Ủy ban kinh tế Á-Âu, Bộ Phát triển kinh tế Nga, Hiệp hội các nhà doanh nghiệp Việt Nam tại Nga… đã trình bày 11 tham luận đề cập đến hầu hết các khía cạnh của Hiệp định Tự do thương mại giữa Liên minh Kinh tế Á-Âu với Việt Nam mới được kí kết.
Các đại diện từ các bộ, ngành của Nga và Thương vụ Việt Nam tại Nga đã tập trung giới thiệu các nội dung cơ bản và vai trò, ý nghĩa của Hiệp định đối với các bên tham gia đàm phán, các lợi ích kinh tế và chính trị to lớn mà hiệp định mang lại.
Theo Hiệp định này, hai bên sẽ dành cho nhau mức mức mở cửa thị trường hàng hóa chiếm khoảng 90% số dòng thuế, tương đương trên 90% kim ngạch thương mại song phương; thị trường xuất khẩu hàng hóa và đầu tư được mở rộng; quan hệ chính trị giữa các nước ngày càng được củng cố và phát triển…
Đánh giá về Hiệp định FTA với Việt Nam, ông Anikjev Artem – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại Ủy ban Kinh tế Á-Âu cho biết: “Sau khi hiệp định được kí kết có hàng loạt thuận lợi được mở ra. Nền kinh tế của chúng tôi hội nhập rộng hơn sang hướng Đông, thương mại được mở rộng và tạo ra hàng loạt các điều kiện thuận lợi bổ sung trong nhiều lĩnh vực như kiểm dịch, hàng rào kỹ thuật, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, cạnh tranh. Song cơ bản nhất vẫn là trao đổi hàng hóa. Phía Việt Nam có các điều kiện hết sức thuận lợi để xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh như thủy sản, dệt may, các sản phẩm công nghiệp nhẹ… nói chung là rất nhiều mặt hàng được hưởng lợi khi được miễn thuế xuất. Ngược lại, về phía Liên minh Kinh tế Á-Âu chúng tôi cũng có được những gì mà mình quan tâm như các các mặt hàng xe ô tô, các sản phẩm sữa, ngũ cốc, máy móc, thiết bị… Nói tóm lại, ý nghĩa lớn nhất của Hiệp định thương mại tự do là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam được xuất khẩu thuận lợi hơn sang Liên minh và các mặt hàng thế mạnh của chúng tôi cũng có được những thuận lợi khi xuất khẩu sang Việt Nam”.
Trong khi đó các nhà nghiên cứu, chuyên gia kinh tế tham dự hội thảo tập trung đánh giá về các ý nghĩa chính trị, địa chính trị, địa kinh tế to lớn mà Hiệp định mang lại. Đa số các tham luận đều nhìn nhận Hiệp định FTA đầu tiên Liên minh Kinh tế Á-Âu đàm phán và kí kết với Việt Nam trong một thời gian ngắn kỷ lục, thể hiện ý nghĩa chính trị của lãnh đạo các nước và lợi ích của tất cả các bên tham gia đàm phán.
Hiệp định này có ý nghĩa quan trọng đối với Liên minh nói chung và Liên bang Nga nói riêng; khẳng định sức hút của Liên minh trong bối cảnh Nga đang bị phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt; mở rộng khả năng tăng cường hội nhập kinh tế, hợp tác thương mại và đầu tư với các nước ASEAN trong chính sách hướng Đông của Nga; là kinh nghiệm quý báu để Liên minh tiếp tục đàm phán Hiệp định FTA với các đối tác tiềm năng trong tương lai.
Đối với Việt Nam, các chuyên gia nhận định Hiệp định được kí kết đã tiếp tục khẳng định vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam trong quan hệ hợp tác toàn diện với các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á-Âu; thể hiện uy tín, vai trò cầu nối của Việt Nam trong ASEAN; đặc biệt là củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga.
Đánh giá về kết quả hội thảo, Giáo sư, TSKH V. Mazyrin – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN khẳng định, hội thảo được tổ chức rất thành công, nội dung chất lượng và không khí thảo luận rất sôi nổi, thu hút sự quan tâm không chỉ của giới khoa học, mà cả chính quyền, cộng động doanh nghiệp và truyền thông.
Giáo sư Mazyrin nói: “Đây là hội thảo khoa học đầu tiên diễn ra sau khi Hiệp định tự do thương mại giữa Liên minh kinh tế Á-Âu và Việt Nam được ký kết, thu hút sự quan tâm không chỉ của các nhà khoa học từ các trung tâm nghiên cứu uy tín của Nga, mà cả đại diện các bộ ngành của Nga như Ủy ban Kinh tế Á-Âu, Bộ Phát triển Kinh tế Nga. Với kinh nghiệm tổ chức các cuộc hội thảo cho thấy, hiếm khi các bộ ngành của Nga có sự quan tâm và ủng hộ đặc biệt như đối với cuộc hội thảo lần này.
Giáo sư Mazyrin cho biết, sau cuộc hội thảo này Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN sẽ cho đăng kết quả trên trang web của Viện Viễn đông và sẽ tập hợp các tham luận để xuất bản trong tạp chí “Các vấn đề Viễn Đông” trong các số tới để đưa thông tin tới giới chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Ngày 29/5/2015, tại thị trấn Burabay, Cộng hòa Kazakhstan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng với Thủ tướng các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á-Âu (Nga, Kazakhstan, Belarus, Armenia, Kyrgizstan) và Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Á-Âu đã ký Hiệp định thương mại tự do.
Được chính thức khởi động đàm phán tại Hà Nội tháng 3/2013, sau hơn 2 năm đàm phán các Bên đã ký kết Hiệp định FTA với phạm vi toàn diện, mức độ cam kết cao và đảm baoar cân bằng lợi ích, có tính đến điều kiện cụ thể của từng Bên. Hiệp định FTA giữa Việt Nam với Liên minh Kinh tế Á-Âu bao gồm các Chương về Thương mại hàng hóa, Quy tắc xuất xứ, Phòng vệ thương mại, Thương mại dịch vụ, Đầu tư, Sở hữu trí tuệ, Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), Thuận lợi hóa hải quan, Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), Công nghệ điện tử trong thương mại, Cạnh tranh, Pháp lí và thể chế.
Theo đánh giá bước đầu của Liên minh Kinh tế Á-Âu, sau khi Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên sẽ đạt 10-12 tỷ USD đến năm 2020. Theo ước tính của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh Kinh tế Á-Âu sẽ tăng khoảng 18-20% hàng năm./.