Gia Lai đã nhìn rõ những thách thức đặt ra, đang nhanh chóng nâng cao năng lực quản lý và sản xuất, đổi mới công nghệ chế biến để tạo ra chỗ đứng bền vững ở thị trường EU.
Gia Lai hiện có 94.000 ha cà phê, chiếm 1/6 tổng diện tích cà phê cả nước. Tại tỉnh có nhiều trang trại cà phê từ 10 - 30 ha, đầu tư bài bản, thuận lợi cho việc triển khai sản xuất cà phê nguyên liệu theo các tiêu chuẩn mà các thị trường cao cấp yêu cầu.
Ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (Gia Lai) doanh nghiệp đầu tiên tại tỉnh sản xuất cà phê tiêu chuẩn hữu cơ Hoa Kỳ và thị trường EU, nhận định, nông dân Gia Lai rất năng động, nên sẽ đổi mới rất nhanh để cùng doanh nghiệp thích nghi với các cam kết mới từ hiệp định EVFTA.
“Xuất khẩu thì cần có sản phẩm đồng nhất, nhiều nhất, chất lượng nhất. Những người trồng cà phê ở Gia Lai có văn hoá tiếp thu rất nhanh, người ta sẵn sàng thay đổi theo thời thế, theo Hiệp định để phù hợp hơn” - ông Hiệp nói.
Ngoài cà phê, chanh dây cũng là cây trồng thế mạnh của Gia Lai, với hơn 3.000 ha, sản lượng trên 84.000 tấn. Dự kiến 2025, diện tích này sẽ tăng lên khoảng 10.000 ha. Hiện nay, liên kế giữa nông dân trồng chanh dây tại các huyện Chư Prông, Mang Yang, Đăk Đoa đã hình thành.
Tại tỉnh, đã khép kín chuỗi giá trị sản phẩm chanh dây, với sự tham gia của các doanh nghiệp khảo nghiệm- cung cấp giống, các trang trại và nông hộ sản xuất, tới nhà máy chế biến áp dụng công nghệ hiện đại. Sản phẩm chanh dây cô đặc của Gia Lai đã được xuất những lô hàng đầu tiêu sang EU theo Hiệp định EVFTA.
Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẳng định, Gia Lai đang thực hiện nhiều giải pháp để mặt hàng chanh dây của tỉnh trở thành đại diện tiêu biểu của Việt Nam.
“Riêng đối với chanh dây, chúng tôi xác định đây là cây trồng chủ lực, chúng tôi đang xây dựng chỉ dẫn địa lý cho cây chanh dây Gia Lai. Vấn đề đặt ra là phát triển một cách bền vững. Nghĩa là có sự tham gia của doanh nghiệp, người dân, tất cả các bên cùng có lợi. Thứ hai là phải có bộ giống chuẩn cho từng vùng, có quy trình chuẩn, sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế ghi nhận. Chanh dây Gia Lai nếu phát triển bền vững có thể đại diện cho chanh dây Việt Nam” - ông Nghĩa cho biết.
Gia Lai là tỉnh có diện tích lớn nhất Tây Nguyên. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến đã được Đảng bộ tỉnh chọn là một trong những mục tiêu chính của nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trong đó, hồ tiêu, cà phê, chanh dây được xác định là những sản phẩm chủ lực. Trong thời gian qua, các ngành của tỉnh đã xây dựng và thực hiện nhiều đề án nhằm cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển bền vững các cây trồng chủ lực, lập hồ sơ xây dựng chỉ dẫn địa lý cho 11 sản phẩm nông nghiệp, trong đó có chanh dây và cà phê.
Mặc dù EU là thị trường khắt khe về chất lượng sản phẩm, có nhiều quy tắc về bảo vệ môi trường, an sinh xã hội cho người sản xuất và xuất xứ sản phẩm… nhưng cả doanh nghiệp và các cơ quan quản lý lý nhà nước về nông nghiệp ở tỉnh đều tin tưởng vào khả năng của mình.
Theo ông Lê Huy Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản - Thủy sản tỉnh Gia Lai, bấy lâu nông nghiệp ở tỉnh có nhiều bất cập vì thiếu định hướng cụ thể về lợi ích. Nay, bản thân các ưu đãi và ràng buộc của EU đã giúp vấn đề này trở nên rõ rang.
“Khi sản xuất theo tiêu chuẩn đã định hướng cho người nông dân bảo vệ môi trường, truy nguyên nguồn gốc, đảm bảo điều kiện phúc lợi cho người lao động, quản lý được tất cả phế phẩm, phụ phẩm, chất thải trong quá trình sản xuất, xử lý hài hoà” - ông Toàn nói.
Là tỉnh có diện tích lớn nhất Tây Nguyên, tiềm năng nông nghiệp đã được khẳng định. Các ràng buộc khắt khe của hiệp định EVFTA cùng thị trường lớn EU, là sức ép, cũng là sự khích lệ để sản xuất nông nghiệp, chế biến, kinh doanh nông sản, trở nên chuyên nghiệp, hiện đại. Các bước đi tới chuyên nghiệp hóa cũng đã được tỉnh vạch ra, tạo tiền đề để nông dân cùng doanh nghiệp vươn tới, biến tiềm năng, cơ hội trở thành hiện thực./.