Đến nay, sau 11 năm phê duyệt, 8 năm thi công, dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành tới 99% khối lượng và chỉ còn 1% các hạng mục phụ trợ, nhưng vẫn chưa thể cán đích và đã 8 lần lỡ hẹn từ chạy thử đến khai thác thương mại các đoàn tàu với người dân Thủ đô. Không biết khi nào sẽ …hoàn thành 1% khối lượng công việc còn lại đó.

cl2_dkuk.png

Đường sắt Cát Linh-Hà Đông:  11 năm, 99% đang đợi 1% công việc còn lại…

Vừa qua, dư luận và cử tri nhiều địa phương tại các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp Quốc hội cũng đã thẳng thắn đặt câu hỏi, với những sai phạm, bết bát tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, những ai chịu trách nhiệm?

11 năm, 99% đang đợi 1% công việc còn lại…

Ngày 26/9, Ban QLDA đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông dự kiến được đưa vào khai thác vận hành từ tháng 4/2019 nhưng không thể thực hiện được do 1% khối lượng công việc còn lại chưa hoàn thành. Trong quá trình triển khai dự án, dù tổng thầu dự án là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc thường xuyên được Ban QLDA đường sắt đôn đốc, nhưng tiến độ triển khai rất chậm, không đạt các mốc tiến độ đề ra.

Ban QLDA cho biết, đến thời điểm hiện tại, 1% khối lượng công việc còn phải thực hiện nốt chủ yếu là hoàn thiện mỹ quan và lắp đặt nốt thiết bị ở 1 số đơn thể khu Depot. Cụ thể gồm: Các hạng mục công trình xây dựng đã hoàn thành đang được chỉnh trang hoàn thiện mỹ quan; hoàn chỉnh hồ sơ hoàn công; thủ tục nghiệm thu. Đưa về công trường các phương tiện phục vụ vận hành, duy tu bảo dưỡng, cứu hộ (xe cẩu, xe tải, xe công vụ kèm dụng cụ chuyên dụng...).

Tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận hành thử trên tuyến chính.

Cùng đó là việc đưa về công trường lắp đặt hoàn chỉnh một số thiết bị còn thiếu hoặc thay thế các thiết bị có sai sót, hư hỏng do vận chuyển trước đây phải khắc phục (một số máy chủ hệ thống phụ trợ của hạng mục thông tin, bán vé tự động, máy móc dụng cụ cho sửa chữa, duy tu bảo dưỡng đoàn tàu); Thực hiện nốt các thử nghiệm và các bước đánh giá an toàn phục vụ nghiệm thu các hạng mục thiết bị chuyên ngành; Cùng đó là vận hành thử toàn hệ thống để kiểm chứng hoạt động của thiết bị và đánh giá độ sẵn sàng của hệ thống, nhân sự vận hành.

“Khối lượng công việc còn lại tuy không nhiều nhưng khá phức tạp và mất nhiều thời gian. Nhiều nội dung thử nghiệm phải vừa thực hiện vừa căn chỉnh. Ban QLDA đường sắt đã yêu cầu tổng thầu khẩn trương, tập trung thực hiện với yêu cầu chất lượng, an toàn là trên hết, không được để xảy ra sai sót; đặc biệt là các thử nghiệm, đánh giá an toàn đoàn tàu, hệ thống điều khiển chạy tàu tự động”, lãnh đạo Ban QLDA cho biết.

Liên quan đến công tác kiểm định các đoàn tàu của dự án, ngày 26/9, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam khẳng định, đến thời điểm này chưa hoàn thành việc kiểm định 13 đoàn tàu dự án, cũng như chưa cấp giấy chứng nhận đăng kiểm nào. Lý do chủ yếu là tổng thầu chậm trễ cung cấp đầy đủ hồ sơ, khắc phục các chi tiết kỹ thuật theo đúng hồ sơ thiết kế.

Sai phạm đường sắt Cát Linh - Hà Đông,những ai chịu trách nhiệm?

Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) đã 8 lần lỡ hẹn về đích và hiện chưa biết ngày nào mới xong dù đã đội vốn lên gần gấp đôi, hơn 18.000 tỷ đồng (hơn 205%) vậy các bên nào phải chịu trách nhiệm với việc này?

Đến nay sau 11 năm phê duyệt, 8 năm thi công, dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành tới 99% khối lượng và chỉ còn 1% các hạng mục phụ trợ, nhưng vẫn chưa thể cán đích và đã 8 lần lỡ hẹn từ chạy thử đến khai thác thương mại các đoàn tàu với người dân Thủ đô.

Trả lời kiến nghị cử tri Bà Rịa - Vũng Tàu cách đây ít ngày về dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông khi nào đưa vào sử dụng, Bộ GTVT cho biết, hiện dự án đã hoàn thành 99%. Thiết bị đã cơ bản được lắp đặt hoàn chỉnh phục vụ công tác vận hành thử (từ tháng 9/2018).

Thời gian qua, dù Bộ GTVT và các bên liên quan đã quyết liệt chỉ đạo nhưng Dự án vẫn triển khai rất chậm. Đến nay, Dự án vẫn chưa thể hoàn thành chuyển sang chạy thương mại và có nguy cơ kéo dài do Tổng thầu chưa thực hiện theo chỉ đạo của Bộ GTVT.

Hiện Bộ GTVT đã phối hợp cùng Tham tán công sứ thương mại - Đại sứ quán Trung Quốc tiến hành họp kiểm điểm tình hình thực hiện dư án định kỳ 2 tuần 1 lần. Nhằm đôn đốc, chỉ đạo Tổng thầu và các bên liên quan quyết liệt triển khai thực hiện, sớm hoàn thành, bàn giao đưa Dự án vào khai thác thương mại.

Bộ GTVT cũng yêu cầu Tổng thầu cam kết mốc thời gian cụ thể đưa Dự án vào vận hành khai thác thương mại, làm cơ sở để Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng chấp thuận và phối hợp với các bên liên quan (UBND TP Hà Nội, Hội đồng Nghiệm thu nhà nước...) để nghiệm thu, bàn giao dự án.

Vừa qua, dư luận và cử tri nhiều địa phương tại các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp Quốc hội cũng đã thẳng thắn đặt câu hỏi, với những sai phạm, bết bát tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, những ai chịu trách nhiệm, 1% công việc còn lại đến bao giờ...?

Dù vậy, Bộ GTVT vẫn chưa đưa ra mốc cụ thể khi nào dự án sẽ hoàn thành đưa vào khai thác thương mại.

Về trách nhiệm liên quan đến việc chậm trễ và đội vốn khủng của dự án, trước hết có thể khẳng định là Bộ GTVT, trên cương vị là chủ đầu tư đứng ra đàm phán, ký hợp đồng và giám sát thực hiện. Trước đây, Bộ GTVT giao Cục Đường sắt Việt Nam làm đại diện chủ đầu tư. Tuy nhiên, do yếu kém, thiếu kinh nghiệm nên năm 2014, Bộ GTVT đã chuyển về Ban quản lý dự án Đường sắt làm đại diện chủ đầu tư.

Chủ đầu tư là cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất toàn bộ dự án, như đàm phán hợp đồng thực hiện dự án, giám sát quá trình xây dựng, nghiệm thu, bàn giao, chất lượng, tiến độ…Đặc biệt, do hợp đồng EPC chưa chặt chẽ nên khó xử lý nhà thầu, thậm chí nhà thầu không thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT.

Tới nay, Dự án này trải qua tổng cộng 5 kỳ Bộ trưởng GTVT, gồm: Ông Đào Đình Bình, ông Hồ Nghĩa Dũng, ông Đinh La Thăng, ông Trương Quang Nghĩa và hiện là ông Nguyễn Văn Thể.

Sau Bộ GTVT, là trách nhiệm của tổng thầu theo hợp đồng EPC (Hợp đồng thiết kế - cung cấp thiết bị công nghệ - thi công xây dựng công trình) là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc. Đơn vị được bên cho vay vốn chỉ định thầu theo hợp đồng vay ODA. Đặc biệt, tổng thầu này lại thiếu kinh nghiệm, thiết kế sơ sài, chưa thực hiện đúng cam kết, dẫn tới lúng túng, bất cập…

Ngoài ra, còn trách nhiệm của tư vấn giám sát là Công ty TNHH giám sát xây dựng Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.

UBND TP Hà Nội chịu trách nhiệm trong công tác giải phóng mặt bằng rất chậm, không đáp ứng được yêu cầu của công tác khảo sát thiết kế kỹ thuật.

Nhà thầu tư vấn thẩm tra, thiết kế kỹ thuật và dự toán công trình là Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI), nhưng dự án phải điều chỉnh thiết kế nhiều lần, tăng vốn…

Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank) là Cơ quan quản lý, cung cấp nguồn vốn vay không thiết lập đại diện thường trú tại Việt Nam, ảnh hưởng đến hiệu quả điều hành cấp vốn thực hiện Dự án; chờ Nhà Tài trợ phê duyệt hợp đồng, cấp hiệu lực cho Hiệp định vay vốn bổ sung kéo dài./.

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư, được xây dựng bằng nguồn vốn tài trợ từ chính phủ Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa Chính phủ Việt Nam và chính phủ Trung Quốc.

Ðường sắt đô thị Cát Linh-Hà Ðông dài 13,5km. Tổng vốn đầu tư ban đầu hơn 552 triệu USD sau đó bị đội lên 891,9 triệu USD (sử dụng vốn vay ODA Trung Quốc và đối ứng của Việt Nam, bằng hợp đồng vay ký lần đầu năm 2008, sau đó ký vay bổ sung năm 2017.

Dự án khởi công tháng 10/2011, ban đầu dự kiến dự án hoàn thành và đưa vào khai thác thương mại từ tháng 6/2015. Sau đó lùi tới tháng 6/2016, rồi tháng 12/2016, tháng 2/2017, tháng 10/2017, quý II/2018, cuối năm 2018, tháng 4/2019. Tuy nhiên, tới nay dự án vẫn chưa hẹn ngày về đích, Bộ GTVT vẫn nói “phấn đấu” hoàn thành trong năm 2019.

Đến nay sau 11 năm phê duyệt, 8 năm thi công, dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành tới 99% khối lượng và chỉ còn 1% các hạng mục phụ trợ, nhưng vẫn chưa thể cán đích và đã 8 lần lỡ hẹn từ chạy thử đến khai thác thương mại các đoàn tàu với người dân Thủ đô.