Để đảm bảo tuyệt đối an toàn trước khi bàn giao dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông đưa vào vận hành khai thác thương mại, Bộ GTVT đã thuê Tư vấn đánh giá an toàn hệ thống (của Pháp) để tiến hành đánh giá an toàn từ khâu thiết kế, thi công, lắp đặt thiết bị và vận hành toàn bộ hệ thống.

Đây là nội dung chính được đưa ra trong văn bản trả lời cử tri Đà Nẵng của Bộ GTVT về việc xem xét, cân nhắc hết sức thận trọng khi đưa vào vận hành tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông.

cat_linh_dfrv.jpg
Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã hoàn thành 99% khối lượng công việc, nhưng nhiều lần phải hoãn tiến độ đưa vào khai thác thương mại.

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông là công trình cấp đặc biệt, có tính chất đặc thù, kỹ thuật cao, công nghệ hoàn toàn mới.

Với vai trò chủ đầu tư, Bộ GTVT nhận thức rõ trách nhiệm trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Trong thời gian triển khai, đã có nhiều đoàn thường xuyên, định kỳ kiểm tra dự án trong các lĩnh vực như Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, Kiểm toán Nhà nước...

Trong thời gian tới, Bộ GTVT tiếp tục quyết liệt chỉ đạo, quán triệt các đơn vị tham gia thực hiện dự án và các cơ quan chuyên môn của Bộ nâng cao hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát về mặt an toàn, tiến độ, chất lượng công trình nhằm đảm bảo chất lượng, tuyệt đối an toàn, sớm đưa dự án vào vận hành khai thác.

Hiện, dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã hoàn thành 99% khối lượng công việc, nhưng nhiều lần phải hoãn tiến độ đưa vào khai thác thương mại do vẫn chưa thể hoàn thành các thủ tục liên quan.

Năm 2018, Bộ GTVT đặt mục tiêu đưa dự án khai thác thương mại vào tháng 4/2019, nhưng tới nay dự án vẫn chưa hẹn ngày về đích.

Trả lời câu hỏi về thời gian đưa dự án đường săt đô thị Hà Nội vào khai thác thương mại tại phiên chất vấn ngày 5/6 trong khuôn khổ Kỳ họp thứ bảy (Quốc hội khóa XIV), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: “Chúng tôi rất mong muốn đưa dự án này vào vận hành. Tuy nhiên, đây là dự án đường sát đô thị đầu tiên triển khai, liên quan trực tiếp đến sinh mệnh của rất nhiều người. Vấn đề an toàn phải đặt lên hàng đầu. Khi bên tư vấn thông qua đánh giá nghiệm thu, thẩm định độ an toàn của hệ thống thì dự án sẽ được đưa vào khai thác thương mại.”

Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao 13,5km (từ Cát Linh đi Hà Đông) với 12 nhà ga trên cao. Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35km/giờ, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến.

Dự án này do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD (khoảng hơn 20.000 tỷ đồng).

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã công bố giá vé tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông thấp nhất là 8.000 đồng/lượt; vé ngày là 30.000 đồng/ngày; vé tháng cho hành khách phổ thông là 200.000 đồng/tháng./.