Nhiều dự án đầu tư công chậm tiến độ, đội vốn, hiệu quả đầu tư kém, lãng phí nguồn lực, gây bức xúc lớn trong dư luận. Câu chuyện này sẽ còn lặp lại như “việc thường tình” nếu vẫn còn tình trạng dự án "cha chung không ai khóc" và không biết xử ai, không ai phải chịu trách nhiệm cho những thất thoát, những nghìn tỷ đồng mất đi…, thế nhưng hầu như chưa quy được trách nhiệm cho ai, chưa có chế tài xử phạt.
Bên hành lang Quốc hội, một số ý kiến đại biểu đề nghị những dự án đội vốn, chậm tiến độ phải quy trách nhiệm cụ thể để xử lý.
Ảnh minh họa |
Các dự án Thủy điện nằm trong Quy hoạch điện VI (trong đó rất nhiều dự án do các nhà thầu Trung Quốc đảm nhận) như: Hải Phòng 1, 2; Cẩm Phả 1, 2; Quảng Ninh 1, 2; Mạo Khê; Vĩnh Tân 2; Duyên Hải 1… đều bị chậm tiến độ từ 1-3 năm.
Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình. Ảnh minh họa. |
Tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội Cát Linh – Hà Đông đã lùi tiến độ 3 năm và tăng vốn đầu tư hơn 300 triệu USD so với kế hoạch.
Các dự án này chậm tiến độ nhiều năm liền, tổng mức đầu tư tăng lên gấp 2, 3 lần dự toán ban đầu. Thế nhưng khi thanh tra, kiểm toán chưa chỉ ra nguyên nhân, biến động ở khâu nào ảnh hưởng đến đội vốn.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) dẫn ra ví dụ Nhà máy Gang thép Thái Nguyên đầu tư dự kiến 3.800 tỷ đồng tăng lên 8.100 tỷ đồng, tăng hơn hai lần, nhưng giờ “đắp chiếu”. Nhà máy Bột giấy Phương Nam điều chỉnh vốn đầu tư tăng 2,3 lần, sau khi nghiệm thu, chạy thử thì thành công nhưng chạy tải thì không thành công do cây đay không phù hợp và cuối cùng đổi sang gỗ tràm nhưng cũng không hiệu quả, bây giờ Nhà máy này gần như là bỏ.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình). |
Từ câu chuyện này, ông Nguyễn Ngọc Phương đề nghị phải chỉ rõ được từ thực tế hiệu quả đầu tư có bao nhiêu dự án đưa lại hiệu quả, bao nhiêu dự án thua lỗ, bao nhiêu dự án cần xem xét, đề nghị điều tra, truy tố, nguyên nhân, giải pháp xử lý là gì. Có như thế mới xác định được trách nhiệm tổ chức, cá nhân để xử lý, làm bài học cho tổ chức, quản lý, hy vọng ngăn chặn được tình trạng thất thoát vốn đầu tư hiện nay.
“Nguyên nhân tình trạng này là do công tác đấu thầu, về mặt hình thức thì công khai, minh bạch nhưng sau đó vẫn có ẩn ý rất khó lý giải. Thứ 2 là trong quá trình thực hiện đấu thầu, nhiều công trình, dự án thiết kế để đấu thầu để thực hiện được sau đó lại kiến nghị bổ sung”, ĐB Nguyễn Ngọc Phương nói.
Chậm tiến độ và đội vốn làm thất thoát không ít tiền của dân, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Dù đã có Luật đấu thầu, Luật đầu tư nhưng việc xử lý trách nhiệm của các doanh nghiệp và cơ quan có liên quan lại không cụ thể, giải pháp còn chung chung và thiếu cương quyết. Để xảy ra tình trạng đội vốn, chậm tiến độ không ai khác chính là chủ đầu tư.
“Trách nhiệm của chính thuộc về cơ quan quản lý đầu tư. Phải quy trách nhiệm những người chủ đầu tư. Thứ 2 là dự án kéo dài do năng lực nhà thầu không đảm bảo được thì cũng phải xử lý theo hợp động đã được ký kết…”, ĐB Hoàng Văn Cường (Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại biểu QH TP Hà Nội) nói.
Theo đại biểu QH, cần phải quy được trách nhiệm và phải có chế tài xử phạt nghiêm thì mới chấm dứt được câu chuyện đội vốn, chậm tiến độ, khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải.
“Biện pháp cơ bản để khắc phục tình trạng đội vốn, kéo dài công trình để vốn đầu tư không dàn trải,trong quá trình quy hoạch thẩm định phải chặt chẽ. Khi đấu thầu phải chọn nhà thầu có năng lực về tài chính và xây dựng”, ĐB Nguyễn Ngọc Phương đề nghị.
ĐB Mai Sỹ Diến (Đoàn Thanh Hóa). |
ĐB Mai Sỹ Diến (Đoàn Thanh Hóa) cho rằng, nguyên nhân của sự kém hiệu quả, chậm tiến độ và đội vốn đầu tư khá lớn gây thiệt hại cho Nhà nước không nhỏ, làm thất thoát không ít tiền của dân gây bức xúc cho cử tri và dư luận xã hội là do việc xử lý trách nhiệm của các doanh nghiệp và cơ quan có liên quan không cụ thể, giải pháp còn chung chung và thiếu cương quyết.
“Ai cũng biết khi chậm tiến độ dự án là vốn đầu tư đội lên rất nhiều nhưng tại sao các cơ quan có trách nhiệm không xử lý dứt điểm hiện tượng này? Rõ ràng có nhiều khâu bất cập trong các dự án đầu tư chậm tiến độ nhưng vẫn không thấy cơ quan chức năng xử lý tập thể, cá nhân có liên quan và thông tin đại chúng để cử tri biết và giám sát”, ông Mai Sỹ Diến nói và dẫn ra ví dụ việc chậm bàn giao mặt bằng dự án cầu Nhật Tân đã khiến ngân sách phải chi hàng trăm tỷ đồng đền bù cho nhà thầu Nhật Bản và số tiền đội vốn đầu tư lại lấy từ ngân sách nhà nước mà không ai chịu trách nhiệm.
Theo ông Mai Sỹ Diến, phải xác định được nguyên nhân chậm dự án tại khâu nào, ai chịu trách nhiệm. Cần tăng cường kiểm tra, giám soát, kiểm toán, thanh tra chặt chẽ, gắn trách nhiệm của các cơ quan chức năng với các dự án khi đã kiểm tra, thanh tra, kiểm toán. Phải chỉ rõ những hạn chế tồn tại, nguyên nhân và những sai phạm, xử lý nghiêm những dự án có vấn đề, kể cả những tập thể, cá nhân của các cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ thẩm định, kiểm tra không phát hiện được.
“Việc không xử lý kéo theo hệ lụy rất nhiều dự án khác cũng xảy ra tương tự. Cuối cùng chỉ thiệt hại cho Nhà nước, cho nhân dân”, ông Mai Sỹ Diến cảnh báo.
“Cục máu đông” nợ xấu được “mổ xẻ” tại Nghị trường
Nợ xấu là “cục máu đông” của nền kinh tế cần xử lý
Thống đốc Lê Minh Hưng: Nợ xấu và sự rủi ro của nền kinh tế
Cùng quan điểm trên, Đại biểu QH Phương Thị Thanh (Đoàn Bắc Kạn) đề nghị: “Quy định trách nhiệm và gắn với đó xử lý trách nhiệm. Để làm được điều này thì phải rà soát lại hệ thống tiêu chuẩn, định mức trong đầu tư xây dựng làm sao sát thực tế để có căn cứ đánh giá được định mức đầu tư đó đúng hay không”.
Đa số các ý kiến cho rằng, một nhiệm vụ cần phải làm ngày là thực hiện nghiêm nghị quyết của Quốc hội về nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật, quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước; trong trường hợp cần thiết phải tiến hành điều tra, truy tố. Có như thế mới xác định được trách nhiệm tổ chức, cá nhân để xử lý, ngăn chặn được tình trạng thất thoát vốn đầu tư hiện nay./.