Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là một trong những khâu đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiện nay. Tại các tỉnh miền Trung, nơi đất canh tác manh mún nhỏ lẻ, chăn nuôi theo kiểu nông hộ, việc sử dụng chất kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp tràn lan… đang đặt ra nhu cầu bức thiết trong việc hình thành chuỗi thực phẩm sạch từ khâu sản xuất đến cung ứng ra thị trường.

Cách trung tâm thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam vài km là trang trại của Tổ hợp tác chăn nuôi gà thả vườn Mười Tín. Đây được xem là mô hình điểm về quy trình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGap của tỉnh Quảng Nam.

dsc_1631_mtad.jpg
Mô hình tổ hợp tác chăn nuôi có điều kiện liên kết với các doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. (Ảnh: tamki.gov.vn)
Khu trang trại nuôi gà Mười Tín do 6 hộ dân địa phương góp vốn đầu tư. Từ mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, được sự hỗ trợ của Trung tâm chất lượng Nông- lâm - thủy sản Vùng 2, các hộ dân nơi đây đã biến vùng cát trắng hoang hóa thành mô hình Tổ hợp tác chuyên nuôi gà ta, diện tích hơn 10 ha, đàn gà có lúc lên hơn 40.000 con.

Ông Bùi Việt Tín, Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi gà ta Mười Tín cho biết, sau thời gian dài loay hoay tìm kiếm thị trường đầu ra, tháng 10/2014, Siêu thị Co.op Mart Tam Kỳ đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Tổ hợp tác. Thành phố Tam Kỳ cũng đã hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng lò mổ tập trung để các hộ dân chủ động trong việc giết mổ, kiểm dịch và tiêu thụ sản phẩm.

“Muốn an toàn cho người tiêu dùng sản phẩm của mình cần thực hiện nghiêm ngặt về chỉ dẫn, đảm bảo đó là sản phẩm sạch, không được có hành vi gian dối. Khi gà có hiện tượng kém chất lượng, tổ hợp tác sẽ để lại kiểm tra, nhất định không bán ra thị trường, vì bán ra là tự làm mất uy tín”, ông Tín cho biết.

Tại xã Hoà Xuân Tây, huyện Đông Hoà, tỉnh Phú Yên cũng vừa hình thành trang trại chăn nuôi theo phương thức truyền thống, từ khâu chọn giống đến giết mổ bán ra thị trường. Hơn 120 con heo thịt giống Yorshire tại đây được nuôi bằng thức ăn từ các phụ phẩm nông nghiệp như bột bắp, cám gạo được ủ lên men. Chuồng trại cũng được chủ cơ sở thiết kế gần gũi với thiên nhiên, hạn chế dịch bệnh phát sinh và dùng thuốc thú y.

Bà Nguyễn Thị Thứ, chủ trang trại heo sạch Sơ Thứ, xã Hòa Xuân Tây, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên chia sẻ: Thức ăn cho heo dùng hèm kết hợp với bắp trồng tại địa phương. Chỉ có rất ít cám trộn chung cho heo ăn để đảm bảo chất lượng thịt thơm ngon. Khi giết mổ sẽ được thực hiện tại lò, luôn đảm bảo vệ sinh từ đầu vào đến đầu ra.

Từ chỗ người nông dân “tự bơi” trong cơ chế thị trường, đến nay, các địa phương miền Trung đã tìm hướng đi cho nông dân bằng cách liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. 

Hình thức liên kết là doanh nghiệp cung ứng con giống, thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật, thuốc thú y và bao tiêu toàn bộ sản phẩm, người chăn nuôi xây dựng chuồng trại, tổ chức sản xuất, chăn nuôi. Các mô hình liên kết này đảm bảo được nguồn sản phẩm sạch, truy xuất nguồn gốc.

Ông Lê Muộn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương đã kết nối với hơn 50 doanh nghiệp hỗ trợ sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân, từ đó xây dựng 5 sản phẩm gồm thịt lợn, thịt gà, trứng gà, tôm và nước mắm theo chuỗi sản phẩm sạch.

“Vai trò của các Tập đoàn kinh tế đầu tư vào nông nghiệp rất quan trọng. Khi liên kết chuỗi giá trị cần có sự tham gia của Tập đoàn, một phần để chủ động sản phẩm, mặt khác để mở rộng liên kết với người dân. Đồng thời, khâu thương mại nông sản cũng phải tổ chức lại để giảm khâu trung gian”, ông Muộn đề xuất.

TS. Trần Văn Khởi, Quyền Giám đốc Trung tâm khuyến nông quốc gia (Bộ NN&PTNT) cho rằng, trong sản xuất nông nghiệp, để tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, gắn kết giữa người sản xuất và người tiêu thụ đòi hỏi sự liên kết theo chuỗi.

Theo ông Khởi, người nông dân không thể đối thoại với doanh nghiệp trong khi bản thân người nông dân đó chỉ sản xuất 1 vài sào ruộng. Do đó, phải tổ chức thành hợp tác xã, câu lạc bộ đại diện cho nông dân cùng với  doanh nghiệp để xây dựng chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến thu mua, chế biến, xuất khẩu hoặc cung cấp cho người tiêu dùng.

TS. Trần Văn Khởi cũng cho biết, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia có vai trò chuyển tải tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân, trong đó có tiến bộ quản lý sản xuất.

“Bằng mọi hình thức, Trung tâm xây dựng mô hình, đào tạo tập huấn, tư vấn để hình thành nên các hợp tác xã, từ đó nâng cao năng lực quản trị cũng như kỹ năng sản xuất của người nông dân trong khối hợp tác xã đó để đủ năng lực tạo thành chuỗi giá trị. Trung tâm không chỉ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển giao phương thức quản lý mới mà còn liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp”, TS. Trần Văn Khởi cho hay./.