Trong 5 năm qua (2011 - 2015), tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Đồng Tháp bình quân đạt 9,5%/năm, GDP bình quân đầu người ước đạt 13,4 triệu đồng, gấp 1,5 lần năm 2010.

Định hướng kế hoạch giai đoạn 2016 – 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh tăng 7%/năm. Trong đó, địa phương đề ra một số nhóm giải pháp trọng yếu như: phát huy nhanh hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; nâng cao hiệu quả hoạt động chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp; chú trọng hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch; thực hiện liên kết vùng.

Tại hội thảo Xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 – 2020) do UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức sáng nay (12/11), các nhà khoa học và chuyên gia kinh tế lưu ý tỉnh cần quan tâm hơn nữa các vấn đề liên kết trong sản xuất; cần tập trung vào 2 sản phẩm chủ lực là gạo và cá tra để có đủ điều kiện phát triển một cách toàn diện và bền vững.

images929601_nd_strn.jpg
Mô hình trồng lúa nuôi cá mang lại hiệu quả kinh tế. (Ảnh minh họa: KT)
Bên cạnh đó, nhận diện các thế mạnh của địa phương, các chuyên gia kinh tế cũng đề nghị tỉnh Đồng Tháp tập trung phát huy các mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao; chú trọng vai trò định hướng thị trường, đánh giá về hạ tầng giao thông, môi trường…

Bà Trần Thị Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nêu rõ: Các sản phẩm của Đồng Tháp chủ yếu dựa vào nông nghiệp, trong đó tập trung vào cây lúa và con cá nhưng chủ yếu ở dạng xuất khẩu thô, chưa tinh chế, thậm chí bao bì cũng chưa bắt mắt do vậy lợi ích mang lại chưa lớn. Chính vì thế, việc phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn sắp tới vẫn phải dựa vào nông nghiệp nhưng phải tính toán lại phần công nghiệp hỗ trợ nông nghiệp và phát triển nông nghiệp vào chiều sâu./.