Trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL năm 2014, hội thảo Tái cơ cấu phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL đã diễn ra sáng nay (5/11) tại Sóc Trăng, do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ĐBSCL là vùng nông nghiệp lớn nhất cả nước với mức đóng góp trên 40% trong giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp; 50% sản lượng thóc, 70% sản lượng cây ăn trái và 90% sản lượng gạo xuất khẩu. Do đó, chất lượng và sự bền vững của tăng trưởng nông nghiệp vùng ĐBSCL là vấn đề cần được cả hệ thống chính trị quan tâm để tiếp tục phát triển có năng suất, chất lượng và hiệu quả bền vững.
Chính vì vậy, tại hội thảo các đại biểu đã thảo luận, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với vùng ĐBSCL nhằm phát triển nền nông nghiệp hàng hóa bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng, đảm bảo an ninh lượng thực đóng góp cho xuất khẩu góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống của người dân.
Trong đó, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới thích ứng với biến đổi khí hậu cần tập trung vào các vấn đề như: thực trạng và giải pháp phát triển dải rừng ngập mặn ven biển với xây dựng hệ thống đê biển để bảo vệ sản xuất; hạ tầng thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản; tái cơ cấu phát triển nuôi trồng thủy sản với các đối tượng nuôi có lợi thế về thị trường.
Đặc biệt, phải liên kết hợp tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích, từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng ĐBSCL.
Mặt khác, quá trình tái cơ cấu phát triển ngành nông nghiệp cần phải đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư, tăng nguồn vốn tín dụng và tạo điều kiện thuận lợi để người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp dễ tiếp cận các vốn tín dụng.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triên nông thôn Trần Thanh Nam, việc tái cơ cấu phát triển nông nghiệp cần quan tâm đến công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Đồng thời, phải đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu thực tế sử dụng lao động. Có như thế, công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới thực sự đem lại hiệu quả cao.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết thêm: “thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, chú trọng đầu tư nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học, chỉ đạo thực hiện quyết liệt các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới, cần lựa chọn các vấn đề bức xúc trên từng địa bàn để tập trung chỉa đạo, tạo chuyển biến rõ rệt, trong đó chú trọng các công trình hạ tầng thiết yếu, trực tiếp gắn với sản xuất đời sống hằng ngày của người dân. Xây dựng và thực thi các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất các nông sản chủ lực có tính cạnh tranh cao”./.