Đến 30/9 vừa qua, tổng dư nợ tại các tổ chức tín dụng khu vực ĐBSCL đạt trên 332.000 tỷ đồng, tăng trên 7,6% so với thời điểm 31/12/2013 và chiếm 8,98% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế.
Trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long (MDEC Sóc Trăng 2014), tại hội thảo vai trò của ngân hàng trong việc tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL diễn ra chiều nay (5/11), phân tích của các chuyên gia và các tỉnh thành cho thấy, chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước đã hướng dòng vốn tín dụng vào một số ngành, lĩnh vực có thế mạnh nhằm tạo đột phá, góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu; thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và tái cấu trúc nền kinh tế, xây dựng mô hình nông thôn mới của cả nước và khu vực.
Nhờ nguồn vốn tín dụng ngân hàng mà nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân, trang trại đã có điều kiện mở rộng, phát triển sản xuất, chăn nuôi. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân, ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Người dân vẫn còn giữ thói quen sản xuất theo kiểu truyền thống, tự phát, nhỏ lẻ. Chuỗi liên kết trong sản xuất-chế biến-tiêu thụ sản phẩm còn lỏng lẻo và chưa có các kênh phân phối hiệu quả cho các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.
Ông Nguyễn Tấn Bửu, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh Sóc Trăng phân tích: “Thời gian qua nhà nước quy hoạch nhiều nhưng thực tế tính tự phát của nông dân cũng rất khó kiểm soát. Bà con cũng hay nuôi trồng cây con theo dạng phong trào. Bà con thua lỗ, ngân hàng rất lo lắng và khó thu hồi vốn. Tôi nghĩ nhà nước và các ngành chức năng cần có chuẩn mực để qua đó quy hoạch vùng sản xuất phù hợp với lợi thế của cây con. Từ đó hướng dẫn người nông dân nuôi trồng. Trên cơ sở đó, các ngân hàng bám vào đó để đầu tư”.
Tại hội thảo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổ chức lễ ký kết hợp đồng tín dụng giữa các ngân hàng thương mại với 17 doanh nghiệp của 6 địa phương là Tiền Giang, Sóc Trăng, Hải Phòng, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Thanh Hóa.
Việc lựa chọn doanh nghiệp tham gia chương trình cho vay thí điểm, mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao lần này là đợt cuối cùng theo chỉ đạo của Chính Phủ. Qua đó nâng tổng số doanh nghiệp được phê duyệt tham gia chương trình là 27 doanh nghiệp với số tiền ký kết lên hơn 4.600 tỷ đồng./.