Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ nay đến cuối năm, ngành thuế phải giảm số giờ khai, nộp thuế của doanh nghiệp từ 872 giờ xuống còn 337 giờ; Đến năm 2015, con số này phải đạt ngang mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 là 171 giờ. Số lần nộp cũng phải giảm tối thiểu bằng với mức trung bình khu vực. Số doanh nghiệp tham gia kê khai thuế điện tử đến cuối năm phải đạt 95%”. Vậy ngành thuế làm thế nào để hoàn thành mục tiêu này?
Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2013 do Ngân hàng Thế giới vừa công bố cho thấy, Việt Nam là quốc gia có thời gian nộp thuế gần như cao nhất khu vực với 872 giờ mỗi năm. Con số này cao gấp 4 lần mức trung bình của các nước châu Á - Thái Bình Dương và trong khu vực Đông Nam Á.
Hiện Việt Nam đang đứng thứ 99 trên tổng số 189 nước về chỉ số môi trường kinh doanh, giảm một bậc so với năm trước. Trong đó, hai yếu tố ảnh hướng lớn nhất tới môi trường cạnh tranh của Việt Nam là doanh nghiệp phải tiêu tốn quá nhiều thời gian để kê khai nộp thuế và chi phí thương mại qua biên giới cao.
Tại buổi làm việc với Tổng Cục thuế mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ rõ những yếu kém của ngành thuế hiện nay, đó là thời gian làm thủ tục nộp thuế quá lớn; quy trình, thủ tục từ đăng ký, kê khai đến thu thuế còn chồng chéo; Một bộ phận cán bộ thuế suy thoái về phẩm chất, đạo đức dẫn đến tiêu cực, nhũng nhiễu, hách dịch với người dân và doanh nghiệp.
Cùng với đó, tỷ lệ thất thu vẫn cao, nhất là thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế khoán, thất thu do chuyển giá. Thủ tướng yêu cầu ngành thuế, đến cuối năm nay, phải giảm thời gian thủ tục khai thuế, nộp thuế xuống còn không quá 300 giờ/năm, đồng thời, giảm số lần nộp thuế xuống tối thiểu bằng mức trung bình của các nước trong khu vực.
“Nếu chúng ta cải cách ngành thuế theo hướng này thì có thể đứng thứ 3 trong khối ASEAN, nhưng quan trọng hơn là sẽ giảm một con số khổng lồ về chi phí cho doanh nghiệp, giảm rủi ro về pháp lý, thương mại, tăng mức độ tính an toàn cho người đầu tư. Như vậy sẽ khuyến khích tinh thần tự do kinh doanh, sáng tạo và hi vọng sẽ có một bầu không khí kinh doanh mới quay trở lại”, ông Nguyễn Đình Cung nói.
Trước những thách thức trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo đó, sẽ nỗ lực đến năm 2015 phải rút thời gian nộp thuế còn 171 giờ/năm.
Thứ trưởng Bộ Tài chính - Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, hiện Bộ Tài Chính đang tập trung sửa đổi một số thông tư để giảm bớt thời gian làm thủ tục. Trong đó sẽ sửa những gì không đúng tiêu chuẩn kế toán quốc tế. Dự kiến sửa 11 nội dung với 6 biểu mẫu, 6 nhóm tờ khai về thuế và sẽ giảm được 201 giờ nộp thuế.
Việc sửa đổi quy định cho phép doanh nghiệp vừa và nhỏ kê khai thuế theo quý, giảm tần suất kê khai có thể giúp giảm 88 giờ nộp thuế/năm. Từ nay đến cuối năm, ngành tài chính phấn đấu giảm 354 giờ làm thủ tục, để đến năm 2015 còn 171 giờ.
“Để triển khai Nghị quyết 19, các cơ quan hành chính Nhà nước phải giảm chi phí hành công cho doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi, an toàn cho doanh nghiệp. Về thủ tục hành chính phải tiếp cận cụ thể, đó là phải đứng trên tiêu chuẩn quốc tế, đánh giá quốc tế...”, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn chỉ rõ.
Theo đánh giá của Cơ quan phát triển Hoa Kỳ, việc cắt giảm số ngày thực hiện các thủ tục hành chính sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho Việt Nam. Ước tính, số tiền mà một cá nhân hoặc doanh nghiệp phải bỏ ra để làm thủ tục nộp thuế là 24,8 triệu đồng/doanh nghiệp/năm; cả nước có khoảng 400.000 cá nhân hoặc doanh nghiệp nộp thuế thì tổng số tiền phải bỏ ra là 9.800 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nếu đạt mức 171 giờ nộp thuế theo Nghị quyết 19 của Chính phủ yêu cầu, từ nay cho tới hết năm 2015, sẽ tiết kiệm được gần 16 triệu đồng/doanh nghiệp/năm, như vậy, cả xã hội có thể sẽ tiết kiệm được hơn 6.600 tỷ đồng.
Bà Lê Thị Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ tuyên truyền hỗ trợ, Tổng cục Thuế cho biết, để rút ngắn thủ tục hành chính và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kê khai thuế, thời gian tới ngành thuế sẽ thực hiện một số giải pháp trọng tâm như: Đơn giản hóa thủ tục và thời gian đăng ký thuế, người nộp thuế chỉ nộp 1 bộ hồ sơ duy nhất tại bộ phận “một cửa liên thông” và được giải quyết trong thời gian tối đa là 3 ngày.
Đồng thời, thực hiện đa dạng hóa các hình thức nộp thuế theo hướng hiện đại, thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp như: nộp thuế qua máy ATM và nộp thuế điện tử. Đến nay, ngành thuế đã phối hợp với 5 ngân hàng lớn triển khai nộp thuế điện tử tại 18 trong tổng số 63 cục thuế tỉnh, thành phố, trong năm tới sẽ áp dụng rộng rãi trên phạm vi toàn quốc...
“Cần triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý thuế, trong đó tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế, trốn lậu thuế và đẩy mạnh công tác quản lý nợ đọng thuế; hoàn thành chỉ tiêu thu nợ và chỉ tiêu thanh tra, kiếm tra, phấn đấu hoàn thành vượt dự toán thu năm 2014. Thứ 2 là triển khai các nhiệm vụ phục vụ việc xây dựng dự toán thu nội địa năm 2015 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Công tác lập dự toán thu nội địa năm 2015 phải đảm bảo tích cực, vững chắc, có tính khả thi cao và bao quát toàn bộ nguồn thu trên địa bàn với mức động viên thu từ thuế và phí đạt khoảng 18-19% GDP, thu nội địa tăng bình quân từ 14-16% so với năm 2014”, bà Thủy cho biết.
Từ những bất cập của ngành thuế hiện nay, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, giảm bớt thủ tục hành chính, kiên quyết phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong quản lý thuế; áp dụng kê khai, nộp thuế điện tử, thực hiện tốt cơ chế hải quan một cửa quốc gia theo đúng cam kết với ASEAN.
Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động chuyển giá; bảo đảm công bằng, minh bạch về thuế và sự cạnh tranh thị trường lành mạnh./.