Cách đây 2 năm, thị trường ngân hàng trong nước đã bị chấn động với sự kiện Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) bị Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) thâu tóm.
Nếu được cổng đông thông qua và NHNN chấp thuận, Sacombank và Southern Bank sẽ quy về một mối (Ảnh: KT) |
Gần 2 năm sau vụ thâu tóm Sacombank, giới đầu tư gần đây lại đang nổi sóng với thông tin về khả năng Southern Bank sẽ sáp nhập với Sacombank. Qua đó, nhân vật Trầm Bê lại được nhắc đến khi ông có vị thế lớn và được nhiều người ngầm hiểu Sacombank và Southern Bank cùng một ông chủ.
Từng là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Southern Bank, số cổ phần mà ông Bê nắm giữ tại nhà băng này lên tới 33,36 triệu đơn vị, chiếm tỉ lệ 8,36% vốn điều lệ - và nếu chiểu theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng 2010 thì rõ ràng ông Bê đã vi phạm luật, vượt trần sở hữu cho phép đối với một cá nhân là 5% tại một tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, cộng lại tổng tỉ lệ sở hữu của gia đình ông Bê tại ngân hàng này cũng vượt trần 20% cho phép. Theo đó, con trai ông Bê là ông Trầm Trọng Ngân có 17,68 triệu cổ phần tương ứng 4,42%; con gái Trầm Thuyết Kiều có 29,42 triệu cổ phần tương ứng 7,36% và con rể Lê Trọng Trí (Chồng bà Trầm Thuyết Kiều) có 2,69 triệu cổ phần tương ứng 0,67%.
Tổng cộng, nhà ông Trầm Bê có 83,25 triệu cổ phần tại Southern Bank và đồng nghĩa với việc đang sở hữu 20,81% ngân hàng này. Tính theo mệnh giá cổ phiếu, khối tài sản mà gia đình ông Bê đang có tại Southern Bank vào khoảng 832,5 tỷ đồng.
Hiện nay, ông Bê đang giữ vị trí Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank, trong khi các vị trí quan trọng tại Southern Bank vẫn đang do 2 con ông Bê nắm giữ: ông Trầm Trọng Ngân là Phó Chủ tịch HĐQT và bà Trầm Thuyết Kiều là Phó Tổng giám đốc.
Tại Sacombank, gia đình ông Bê cũng sở hữu một khối lượng cổ phần khá lớn và đảm nhiệm những vị trí quan trọng. Đáng chú ý, con trai thứ của ông Bê là Trầm Khải Hòa còn rất trẻ (sinh năm 1988) nhưng đã Thành viên HĐQT với sở hữu lên tới 24,03 triệu cổ phần STB, chiếm tỷ lệ 1,93% vốn ngân hàng.
Ngoài ra, hai người con khác là Trầm Trọng Ngân và Trầm Thuyết Kiều đang là lãnh đạo tại Southern Bank cũng sở hữu lần lượt 54,72 triệu cổ phần (tương ứng 4,4%) và 3,6 triệu cổ phần tương ứng 0,3%. Qua đó đưa tổng khối lượng cổ phần mà gia đình ông Bê nắm giữ tại Sacombank lên tới 84,2 triệu cổ phần, chiếm tỉ lệ 6,78% vốn điều lệ và trở thành nhóm cổ đông lớn của ngân hàng này.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu STB của Sacombank hiện đang giao dịch với thị giá gấp đôi mệnh giá (đóng cửa phiên 6/3 đạt 20.100 đồng). Như vậy, tổng tài sản của gia đình ông Trầm Bê đang có tại Sacombank ước tính gần 1.700 tỷ đồng.
Khả năng ông Trầm Bê đưa Southern Bank và Sacombank sáp nhập làm một gây bất ngờ cho nhiều người. Với kế hoạch Sacombank sáp nhập Southern Bank, đây được coi là cách giúp cổ đông Trầm Bê và gia đình tránh được việc vi phạm vượt sở hữu cho phép ở Southern Bank, giảm tỉ lệ xuống dưới 20% vốn điều lệ của ngân hàng sau sáp nhập.
Trả lời trên báo chí, ông Phạm Hữu Phú, Chủ tịch Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank cũng nhận định “sáp nhập với Southern Bank là thuận lợi vì nó tương đồng vốn liếng, chủ sở hữu”.
Southern Bank cũng nhận thấy họ tự tái cấu trúc là không khả thi, nên đã đề nghị được sáp nhập vào Sacombank. Từ đó hai bên thống nhất nghiên cứu khả năng sáp nhập và có văn bản xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước. Việc sáp nhập này đối với cả hai là tự nguyện, phù hợp với chủ trương của Nhà nước.
Trong trường hợp lý tưởng, tỉ lệ hoán đổi cổ phiếu là 1:1, vốn điều lệ của ngân hàng sau hợp nhất sẽ lên hơn 16.400 tỷ đồng, tương đương 1.624,5 triệu cổ phiếu.
Tính theo phép cộng dồn, lúc này, tổng cổ phần mà gia đình ông Trầm Bê sở hữu tại ngân hàng sau sáp nhập sẽ là 167,44 triệu cổ phần và tỉ lệ sở hữu giảm xuống còn trên 10%.
Hiện tại Southern Bank chưa công bố kết quả hoạt động kinh doanh cũng như Báo cáo tài chính 2013. Tuy nhiên, theo các dữ liệu đã đưa ra thì cuối 2013, ROA và ROE của ngân hàng tương ứng chỉ đạt 0,16% và 2,78%. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng/2013 chỉ đạt 225 tỷ đồng (chỉ bằng khoảng 1/10 Sacombank), với tỷ lệ nợ xấu ở mức 3,79% (thuộc diện bắt buộc phải bán nợ cho VAMC).
Tuy nhiên, nếu thương vụ này thành công thì ngân hàng sau sáp nhập sẽ vươn lên xếp thứ 5 toàn hệ thống xét về quy mô tài sản và vốn chủ sở hữu. /.