Theo văn bản đề xuất của tập đoàn này, đối với cảng Hải Phòng, Vingroup đề xuất được mua 80% cổ phần với giá mua không thấp hơn giá đấu thành công trung bình mà cảng này đã đấu giá trước đó.

Còn đối với Cảng Sài Gòn, tập đoàn này cũng đề xuất mua 80% cổ phần trước cổ phần hóa với mức giá không thấp hơn giá IPO và được tham gia vào quá trình xây dựng phương án cổ phần hóa.

Việc đề xuất mua 80% cổ phần của hai cảng biển thuộc hàng lớn nhất cả nước được Vingroup giải thích là tập đoàn muốn điều hành, quản lý và khai thác cảng bằng các mô hình quản trị tiên tiến nhằm nâng cao công suất bốc dỡ, cải thiện hiệu quả kinh doanh. Đồng thời, góp phần vào việc phát triển kinh tế xã hội địa phương và cả nước.

Tập đoàn này cũng cam kết tuân thủ các chủ trương, chính sách của chính phủ về quy hoạch và quản lý hệ thống cảng biển.

97b9f_cang_sai_gon__zegg.jpg Vingroup đề xuất mua 80% cổ phần trước cổ phần hóa cảng Sải Gòn. (Ảnh: KT)
Bên cạnh việc đề xuất mua hai cảng thuộc hàng lớn nhất cả nước, Vingroup trước đó cũng đề xuất xây dựng cảng hành khách Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Mới đây, chính phủ đã chấp thuận cho áp dụng chỉ định thầu dự án cảng này.

Như vậy, Vingroup sẽ phải cạnh tranh với 2 nhà đầu tư cũng muốn mua cảng Hải Phòng là Công ty cổ phần Đầu tư Việt Nam - Oman (gọi tắt là Công ty VOI) và Ngân hàng VietinBank.

Cảng Hải Phòng - cảng biển lớn nhất miền Bắc, bán cổ phần để cổ phần hóa vào năm 2014. Tuy nhiên, số cổ phần bán được không nhiều. Hiện tại, phần vốn nhà nước nắm giữ ở cảng Hải Phòng vẫn lên đến gần 95%.

Trước tình cảnh không bán được cổ phần của nhiều cảng biển, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và Bộ Giao thông Vận (GTVT) tải kiến nghị cho giảm tỷ lệ nắm giữ vốn nhà nước ở các cảng biển xuống còn 51%.

Ngay sau đó, đã có một số nhà đầu tư mong muốn được mua cảng Hải Phòng như Công ty cổ phần Đầu tư Việt Nam - Oman (gọi tắt là Công ty VOI) và Ngân hàng VietinBank. Và giờ đây là Vingroup.

Còn cảng Sài Gòn đang trong quá trình chuẩn bị cổ phần hóa. Theo kế hoạch của Bộ GTVT, cảng Sài Gòn sẽ hoàn thành cổ phần hóa trong quý 1-2015.

Cảng này cũng đang xây dựng khu cảng mới ở Hiệp Phước để di dời cảng hiện tại ra khỏi nội thành. Kế hoạch di dời sẽ được hoàn tất vào quí 1-2016. Sau khi cảng Sài Gòn được di dời, vị trí hiện tại sẽ được chuyển đổi công năng thành khu cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, giải trí, khách sạn, khu dân cư, khu phức hợp cảng tàu khách quốc tế.

Năm 2014, một công ty con của Vingroup đã tạm ứng vốn để xây dựng hoàn thiện Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước, đường D3 và các chi phí khác phục vụ di dời cảng Sài Gòn để nhanh chóng chuyển đổi công năng của khu cảng này.

Theo quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp của Bộ GTVT ký năm 2014, cảng Sài Gòn có giá trị 3.995 tỉ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 2.162,9 tỉ đồng. Sau cổ phần hóa, tỷ lệ phần vốn nhà nước nắm giữ tại cảng này là  75% vốn điều lệ.

Sau một năm bán cổ phần không thành công tại các cảng biển, kể từ khi Chính phủ chấp thuận cho giảm phần vốn nhà nước tại các cảng biển xuống còn 51 % thì nhà đầu tư đã ồ ạt xin mua cảng biển./.