Vay 1 đồng phải thế chấp 5 đồng
Tại hội thảo Tín dụng ngân hàng thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ngày 30/10, ông Lê Quang Thành, Tổng giám đốc Công ty Thái Dương (Hưng Yên) cho hay: DN của ông sản xuất thức ăn cho lợn và kinh doanh lợn giống với quy mô hơn 60.000 con tại 7 trang trại, đồng thời liên kết với 20 trang trại khác để tăng thêm nguồn cung.
Với quy mô này, công ty ông Thành phải đầu tư 600 tỷ đồng vốn cố định nhưng chỉ vay được 100 tỷ đồng từ 2 ngân hàng. “Chúng tôi có tham vọng thành lập 15 dự án khác nhưng cứ nhìn thấy khó khăn về nguồn vay vốn như thế thì không thể thực hiện được”, ông Thành nói.
Ông Lê Quang Thành, Tổng giám đốc Công ty Thái Dương, bức xúc trước rào cản về vốn vay đối với DN nông nghiệp. |
Tương tự, ông Phạm Đức Thắng, nông dân xuất sắc xã Đồng Vàng, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang cho hay, đã thành lập hợp tác xã khoảng 400 hộ dân trồng cây dong để liên kết và bao tiêu sản phẩm. “Tôi đã ra một số điểm ngân hàng của huyện để vay vốn đầu tư cây dong dài hạn vì cây dong 1 năm mới được thu hoạch. Tuy nhiên, các ngân hàng yêu cầu là phải thế chấp bằng bìa đỏ mới cho vay vốn. Mỗi bìa đỏ được định giá chỉ vài chục triệu trong khi nhà xưởng của chúng tôi có giá trị 2-3 tỷ đồng lại không được thế chấp", ông Thắng nêu ý kiến.
Yêu cầu hai ngân hàng báo cáo ngay
Sau khi lắng nghe trường hợp của Công ty Thái Dương, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, sẽ yêu cầu hai ngân hàng đã cho Công ty vay vốn phải báo cáo lại sự việc. “Câu chuyện này là của nhiều năm về trước. Nếu bây giờ quan hệ tín dụng vẫn còn nặng nề như thế thì phải xem lại bởi chính ngân hàng cũng đang mỏi mắt tìm người cho vay”, Phó Thống đốc nói.
Theo kiến nghị của ông Lê Quang Thành, kỳ hạn vay vốn hiện dài nhất cũng là 2-3 năm, hiếm có dự án nào được vay tới 7 năm nên gây khó cho ngành chăn nuôi trong việc trả vốn và lãi.
Chính vì thế, dẫn tới hiện tượng người chăn nuôi phải nói dối ngân hàng để vay được tiền và có doanh nghiệp nói là đầu tư dự án này nhưng là để lấy tiền trả cho dự án khác và trả cho ngân hàng. Chính sách có nhiều nhưng ít đối tượng được hưởng không thực thi thì cũng không có nhiều ý nghĩa”, ông Thành thẳng thắn chia sẻ.
Lắng nghe những ý kiến chia sẻ tâm huyết, ông Đào Minh Tú khẳng định: “Những vấn đề cụ thể mà DN và nông dân phát biểu hôm nay sẽ được giải quyết ngay. Còn nếu liên quan tới bộ, ngành khác thì NHNN sẽ trao đổi để tháo gỡ”.
Theo vị Phó Thống đốc NHNN, không có lĩnh vực nào được quan tâm như nông nghiệp. Thời gian tới ngành ngân hàng sẽ tập trung vào các các lĩnh vực trọng tâm, có sự chuyển đổi mạnh như nông nghiệp xuất khẩu, nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao để hạ giá thành, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm… đồng thời cải thiện vốn, thời hạn, lãi suất, điều kiện, thủ tục vay cho những đối tượng này.
Ngành ngân hàng sẽ chọn lọc và giảm bớt chương trình trong tổng số 22 chương trình tín dụng hiện nay. “NHNN đã thành lập đoàn gần chục người đi kiểm tra các ngân hàng thương mại triển khai việc thực hiện Nghị quyết 35 và 19 của Chính phủ, để không còn có trường hợp như Công ty Thái Dương nữa ”, Phó Thống đốc NHNN khẳng định./.