Tại lễ công bố Ngày văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (10/11) và phát động cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” vào tháng 11/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu: “Đánh mất văn hóa nói chung và văn hóa doanh nghiệp nói riêng là đánh mất chính mình”.

Trên tinh thần đó, các doanh nghiệp cũng xác định: Tạo dựng nền tảng văn hóa của doanh nghiệp chính là tạo nên sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, người thành lập Công ty cổ phần Văn hoá Sách Sài Gòn (Saigon Books) cho biết, văn hóa doanh nghiệp có nhiều cách để thể hiện, nhưng với ông, văn hoá doanh nghiệp trước hết đó là sự cư xử tử tế giữa chủ doanh nghiệp với nhân viên của mình.

“Văn hóa doanh nghiệp, trong đó chủ doanh nghiệp hoặc lãnh đạo doanh nghiệp cư xử, tôn trọng nhân viên của mình, quan tâm tới cuộc sống cũng như lắng nghe ý kiến của nhân viên, tạo môi trường cho nhân viên phát triển thì càng ngày sẽ càng giữ vai trò rất quan trọng không chỉ đối với văn hóa doanh nghiệp mà còn là sự phát triển của cả công ty”, ông Quỳnh cho biết.

vhdn_ssqd.jpg
Để xây dựng văn hóa doanh nghiệp phải bắt đầu bằng sự chia sẻ, hỗ trợ. (Ảnh minh họa: KT)
Chính quan niệm về văn hóa doanh nghiệp này mà TS. Nguyễn Tuấn Quỳnh đã thành công rất nhiều lĩnh vực và hiện nay, ông tiếp tục thành công với vai trò là người sáng lập Saigon Books.

Không chỉ coi trọng văn hóa ứng xử giữa lãnh đạo doanh nghiệp với nhân viên, nhiều doanh nhân cho rằng, văn hoá doanh nghiệp còn chính là chữ tín, là chất lượng phục vụ và đạo đức trong kinh doanh.

Ông Bùi Sinh Viên, Giám đốc Công ty vận tải ABA ở Quận 1, TP HCM chia sẻ, để trở thành một nhà cung cấp chuỗi cung ứng lạnh đáng tin cậy nhất tại Việt Nam, công ty ABA tuyên bố chỉ tiêu 3 đúng: Đúng nhiệt độ, đúng giờ và đúng hàng. 3 chỉ tiêu này tưởng chừng như rất đơn giản, nhưng đã đánh trúng nhu cầu của các tập đoàn lớn trong nước và nước ngoài tại Việt Nam.

Theo ông Viên, đây cũng là nét văn hóa mà doanh nghiệp ông đang xây dựng, bởi vì bất cứ doanh nghiệp nào muốn phát triển bền vững thì phải xuất phát từ chất lượng sản phẩm và sự trung thực đối với khách hàng. “Khi doanh nghiệp cung cấp một dịch vụ chính là cung cấp một niềm tin, sản phẩm phải xuất phát từ sự tin tưởng tin cậy của khách hàng”, ông Viên cho biết.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Danh dự Hiệp hội Xuất khẩu và chế biến thủy sản Việt Nam - người đang tâm huyết xây dựng Hiệp hội thực phẩm minh bạch, cho rằng rất nhiều doanh nghiệp Việt đang cạnh tranh với nhau không lành mạnh. Hiện tượng doanh nghiệp lớn chèn ép doanh nghiệp nhỏ không phải là ít, tình trạng vi phạm bản quyền thương hiệu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang tràn lan…

Do đó, theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh, để xây dựng văn hóa doanh nghiệp phải bắt đầu bằng sự chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp để cùng phát triển, chứ không phải cứ theo kiểu mạnh ai nấy làm, cạnh tranh dè chừng, chèn ép nhau.

“Nếu tất cả các doanh nghiệp đều có văn hoá ứng xử, tôn trọng người khác, chia sẻ giá trị với người khác, cho là nhận và cạnh tranh với nhau thực sự bằng năng lực, sáng tạo, bằng trí tuệ của mình sẽ rất đáng được hoan nghênh”, bà Minh nhận định.

Lấy chữ tín, chất lượng phục vụ làm trọng và cùng hỗ trợ nhau để phát triển, đó là văn hóa mà doanh nghiệp nào cũng mong muốn xây dựng. Chính vì vậy, đánh mất niềm tin của khánh hàng, đánh mất chữ tín tức là doanh nghiệp đã đánh mất văn hóa và đánh mất chính mình. Vụ việc của doanh nghiệp KhaiSilk - một thương hiệu lớn đang là bài học cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp TP HCM nói riêng khi xây dựng về văn hoá doanh nghiệp hiện nay.

TP HCM hiện có hơn 320.000 doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp đều xây dựng cho mình một nền tảng văn hóa riêng, nhưng tựu trung không thể thiếu các điều kiện về uy tín, chất lượng sản phẩm và đạo đức kinh doanh.

Ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng trường Doanh nhân PACE cho rằng, hiện nay mọi người thường nói nhiều về văn hóa doanh nghiệp, nhưng lại chưa nhắc đến văn hóa hiệp hội. Trong khi đó, các doanh nghiệp thường là thành viên của hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề… Do đó, cùng với xây dựng văn hóa doanh nghiệp phải xây dựng văn hóa hiệp hội.

Theo ông Trung, xây dựng văn hóa hiệp hội doanh nghiệp gồm 3 yếu tố nền tảng: Thứ nhất, hiệp hội là nhằm bảo vệ uy tín của doanh nghiệp trong cộng đồng xã hội; thứ hai, hiệp hội phải có tiếng nói trọng lượng, uy tín đối với cộng đồng doanh nghiệp với Chính phủ và Nhà nước; thứ 3 là hiệp hội phải nằm trong xã hội dân sự.

“Nếu một cá nhân nào, thành viên nào của hiệp hội vi phạm tôn chỉ, mục đích của hiệp hội, giá trị chung mà hiệp hội đề ra thì sẽ bị loại trừ ra khỏi hiệp hội. Mà khi bị loại trừ ra khỏi hiệp hội thì doanh nghiệp rất khó để tồn tại trong một ngành nghề hay trong một lĩnh vực mà hiệp hội đang hướng đến”, ông Trung nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng khẳng định: “liêm chính”, “sáng tạo”, “chuyên nghiệp”, “tận tụy” hay “trách nhiệm môi trường”… là những giá trị cốt lõi và cũng chính là nền tảng, là sức sống của văn hóa doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh lành mạnh, tiên tiến, phù hợp với các xu thế của thời đại chính là chiếc cầu nối hữu hiệu nhất để chúng ta hòa nhập, hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới. 

Đây chính là những giá trị văn hóa mà doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp TP HCM đang xây dựng và hướng tới để phát triển bền vững./.