Với cách nghĩ của một nhà khoa học và ý chí của một doanh nhân, bà Nguyễn Thị Chính - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển nấm và sản phẩm sinh học, Công ty TNHH Nấm linh chi đã gặt hái được nhiều thành công. Là doanh nhân nhưng nữ giám đốc Nguyễn Thị Chính không chỉ nghĩ đến lợi nhuận mà rất quan tâm hỗ trợ nhiều bệnh nhân chống chọi với bệnh tật, tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động.

“Muốn làm giàu, phải có cách đi riêng”

Đó là suy nghĩ của bà Nguyễn Thị Chính ngay từ khi còn đang học tập tại Tiệp Khắc và bà đã có ý định học hỏi cách làm giàu của người châu Âu. Quan sát thấy, tại Tiệp Khắc và các nước châu Âu, người nông dân sử dụng các chất thải nông nghiệp để sản xuất nấm với qui mô lớn và rất hiệu quả, còn ở Việt Nam các nguồn phế thải từ công, nông, lâm nghiệp lại đem đốt rất lãng phí. Trong khi đó, khí hậu Việt Nam nóng và ẩm, rất thích hợp để cho các chủng nấm ăn phát triển.

banguyenthichinh.jpg
Bà Nguyễn Thị Chính

Nghĩ vậy, nên sau khi tốt nghiệp thạc sỹ năm 1973, bà là người đầu tiên mang các chủng nấm năng suất nhất từ châu Âu về nước, với mong muốn sẽ sản xuất nấm ở Việt Nam để người dân có thể nuôi trồng nấm từ các nguồn phế thải.

Bà Nguyễn Thị Chính cho biết: “Tôi mang các chủng nấm ở châu Âu về chủ yếu là chủng nấm ăn. Nguồn nguyên liệu sẵn có tận dụng rơm rạ, mùn cưa, bã mía, lõi ngô đều có thể làm được nấm. Nó sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cho người thu nhập thấp và người nghèo đang nhàn rỗi. Chúng tôi quyết tâm làm bằng được”.

Tuy nhiên, thử nghiệm đầu tiên chưa đem lại kết quả, bà quyết định quay trở lại làm nghiên cứu sinh ở Tiệp Khắc. Kiên định với ý tưởng của mình và say sưa nghiên cứu, thành công đã đến với bà khi năm 1986, bà vinh dự nhận bằng phát minh sáng chế do Tiệp Khắc trao tặng, với công trình nghiên cứu “Sản xuất nấm sò bằng công nghệ lên men vi sinh không thanh trùng”.

Bỏ qua nhiều lời mời làm việc nơi xứ người, bà quyết định trở về Việt Nam làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Khi việc trồng đại trà một số loại nấm thành công, bà bắt đầu hành trình đưa nấm về nông thôn. Từ đây, công nghệ sản xuất nấm sò đã mở ra hướng sản xuất lớn cho các cơ sở, trang trại trồng nấm. Hiện nay, loại nấm này đang trồng rộng rãi ở nhiều tỉnh như Sơn La, Lai Châu, Lâm Đồng, Đắc Lắc…

Muốn giúp đỡ người nghèo nhiều hơn

Sau thành công với nấm ăn, bà Chính đi sâu vào nghiên cứu các loại nấm dược liệu. Bà là người đầu tiên ở nước ta sản xuất thành công sinh khối linh chi dạng sợi và được nhận giải thưởng Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) năm 2002. Việc nghiên cứu và sản xuất ra loại sinh khối linh chi như một loại thực phẩm chức năng của bà đã có tác dụng hỗ trợ trong việc chữa bệnh, tăng sức khoẻ cho con người.

Mới đây, với đề án “Đổi mới công nghệ sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu”, bà đã nhận được giải thưởng Sáng tạo phụ nữ năm 2013 và được hỗ trợ kinh phí để triển khai. Đó là cơ hội để bà Nguyễn Thị Chính tiếp tục thực hiện mong muốn giúp cho người nghèo nhiều hơn nữa.

“Các sản phẩm của chúng tôi đưa ra trong đề án đổi mới công nghệ sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu này sẽ mang lại hiệu quả cao chắc chắn giúp người nghèo thoát nghèo. Mục tiêu là giúp phụ nữ nghèo thoát nghèo. Trước mắt trong năm nay, chúng tôi nhận đảm bảo cho 50 hộ phụ nữ thoát nghèo bằng cách tuyển nhân viên vào làm trong công ty, giúp gia đình làm nấm ngay tại gia đình từ đó nhân lên các tỉnh thành khác” – bà Chính chia sẻ.

Đến nay, nhà khoa học, doanh nhân nữ Nguyễn Thị Chính tuy đã ở tuổi gần 70 nhưng vẫn nhanh nhẹn và say mê làm khoa học như ngày nào. Bà có niềm đam mê đặc biệt với nấm và mong muốn sẽ giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật. Bà đã đem nhiều sản phẩm của mình đến giúp những bệnh nhân nghèo ở bệnh viện K, bệnh viện Đống Đa Hà Nội, trẻ bị nhiễm HIV tại Ba Vì…

Sống và làm việc với bà Chính, chị Nguyễn Thị Vân cho biết, giám đốc Chính rất gần gũi, tận tụy, hết lòng vì công việc: “Bác Chính là người rất hòa đồng với mọi người, nhiệt tình với bệnh nhân, giúp đỡ hộ trợ bệnh nhân nghèo, mang nhiều niềm vui đến cho các gia đình. Tôi đã học được tính thân thiện với mọi người và làm từ thiện với nhiều người và thấy cần học hỏi bác nhiều hơn. Tôi làm việc cho bác, được bác tạo điều kiện cho công ăn việc làm ổn định, đời sống gia đình được nâng lên”.

Trong khi nhiều công trình nghiên cứu khoa học không được ứng dụng vào thực tế thì những thành công của bà Nguyễn Thị Chính cho thấy, nếu có những nghiên cứu khoa học thiết thực cùng với sự tận tâm, nỗ lực không ngừng của các cán bộ khoa học thì không những mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn giúp người dân xóa đói giảm nghèo./.