Suốt năm qua, nhiều cổ đông “lướt sóng” cổ phiếu MWG và VNM của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động và Tổng công ty sữa Việt Nam (Vinamilk) đã trở thành triệu phú khi cổ phiếu MWG và VNM đồng loạt tăng mạnh.

the_gioi_di_dong_dfdu.jpg
Ông Nguyễn Đức  Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Thế giới di động đã lọt vào Top 3 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam

Tuần qua cũng vậy, MWG tiếp tục tăng ấn tượng. Chốt tuần, MWG dừng ở mức 152.000 đồng/CP sau khi tăng 15.000 đồng/CP. MWG giúp vốn hóa thị trường Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động có thêm 2.199 tỷ đồng.

Là cổ đông cá nhân lớn nhất tại Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty chứng kiến tài sản tăng 55,3 tỷ đồng lên 5.560 tỷ đồng.

Như vậy, ông Tài đã vượt qua bà Phạm Thu Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup để lọt vào Top 3 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Trong nhiều tháng gần đây, ông Tài đứng ở vị trí thứ 4. Có thể thấy 2016 là năm ông Tài liên tục cải thiện vị trí.

Ông Tài không phải người duy nhất hưởng lợi nhờ đà tăng mạnh của MWG. Trong tuần, nhiều cổ đông nội bộ đã “chốt lời” MWG và trở thành triệu phú.

Trong tuần qua, bà Nguyễn Thị Thu Thảo, em gái ông Nguyễn Đức Tài đã bán ra thành công 23.000 cổ phiếu MWG và thu về khoảng 3,2 tỷ đồng. Sau giao dịch, bà Thảo còn nắm giữ gần 46.000 cổ phiếu MWG (tương đương 7 tỷ đồng).

Sau đó, ông Hoàng Xuân Thắng, Trưởng ban Kiểm soát đăng ký bán 25.000 cổ phiếu MWG. Hiện tại, Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động chưa công bố giao dịch của ông Thắng. Nhưng nếu giao dịch thành công, ông Thắng có thể thu về 3 tỷ đồng.

Đáng chú ý nhất là động thái thoái vốn chốt lời của Mekong Enterprise Fund II, Ltd. Khi chứng kiến cổ phiếu MWG tăng quá mạnh, quỹ này công bố sẽ bán ra 2,7 triệu đơn vị. Nếu Mekong Enterprise Fund II, Ltd thoái vốn thành công, quỹ này sẽ có khoảng 410 tỷ đồng.

Tuần qua mặc dù đối diện áp lực chốt danh sách cổ đông để nhận cổ tức nhưng VNM vẫn tăng khá tốt. Chốt phiên, VNM dừng ở mức 143.000 đồng/CP sau khi tăng 5.000 đồng/CP. VNM khiến vốn hóa thị trường Vinamilk tăng 6.050 tỷ đồng lên 207.660 tỷ đồng.

VNM tăng mạnh đã giúp nhiều cổ đông thành triệu phú. Trong đó, đáng chú ý nhất là Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC. Đơn vị này đã bán ra toàn bộ 566.150 cổ phiếu VNM và có thể thu về khoảng 79,2 tỷ đồng.

Sau đó, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa – Giám đốc điều hành chuỗi cung ứng đăng ký bán 250.000 cổ phiếu VNM. Nếu giao dịch thành công, bà Hòa sẽ có khoảng 35 tỷ đồng. Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Khánh – Giám đốc điều hành Nghiên cứu và phát triển đã bán 60.000 cổ phiếu VNM và có thể thu về 8,5 tỷ đồng.

Cổ phiếu VNM tăng mạnh không chỉ kích thích cổ đông chốt lời để thành triệu phú mà còn khiến hàng loạt đại gia muốn…. mua vào.

Không lâu sau khi bán toàn bộ vốn tại Vinamilk, Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC khiến thị trường bất ngờ khi đăng ký mua 600.000 cổ phiếu VNM. Chắc chắn, Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC sẽ phải trả mức giá cao hơn để sở hữu lượng cổ phiếu này. Theo thị giá ngày 19/8, lượng cổ phiếu này trị giá 85,8 tỷ đồng.

Đáng chú ý hơn cả là sự thể hiện “thèm muốn” cổ phiếu VNM của tỷ phú giàu nhất Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi. Qua công ty on Fraser&Neave (F&N), tỷ phú Thái là cổ đông lớn thứ hai tại Vinamilk. Công ty này sẵn sàng tăng tỷ lệ sở hữu tại Vinamilk nếu được phép.

Chia sẻ với Bloomberg, giám đốc mảng đồ uống không cồn tại F&N cho biết: “Nếu Vinamilk nới room rộng hơn cho nhà đầu tư nước ngoài và đem lại nhiều lợi ích về tài chính, chúng tôi sẽ theo dõi sát sao cổ phiếu của Vinamilk. Đó vẫn luôn là vị trí của chúng tôi”./.