Theo kế hoạch, trong 3 ngày qua (1-3/7), đoàn thanh tra của Bộ Tài Nguyên và Môi Trường đã tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại Nhà máy giấy Lee & Man.
Dư luận tại các địa phương nằm ven sông Hậu những ngày qua rất hoan nghênh công tác thanh tra, kiểm tra về môi trường đối với công ty này được thực hiện kịp thời sau khi báo chí phản ánh.
Người dân khu vực ĐBSCL lo ngại Nhà máy giấy Lee & Man hoạt động gây ảnh hưởng đến môi trường sống. (Ảnh minh họa: KT) |
Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND thị trấn An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng cho biết, thị trấn chỉ cách nhà máy giấy Lee & Man vài cây số, đời sống của bà con chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp là trồng cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản, chiếm khoảng 80%.
Trong trường hợp nhà máy xử lý chất thải không đảm bảo và thải ra nguồn sông Hậu, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân; lo ngại nhất là lượng phù sa từ thượng nguồn đổ về sẽ nhiễm chất độc do nhà máy thải ra, gây ảnh hưởng đến việc trồng trọt.
“Địa phương đề nghị chính phủ, thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường khi làm việc với nhà máy phải xác minh cụ thể, cần có quy định cụ thể, phù hợp với tiêu chí mà ngành khoa học, công nghệ đưa ra, đảm bảo đời sống của người dân khu vực ĐBSCL”, ông Hậu mong muốn.
Dư luận cũng mong rằng, sông Hậu là nguồn nước huyết mạch của vùng kinh tế ĐBSCL lâu nay nên Chính phủ và các bộ, ngành cần bảo vệ sự bền vững này.
Được biết, ngoài Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam, doanh nghiệp có nhà máy sản xuất giấy nằm bên sông Hậu (xã Phú Hữu A, huyện Châu Thanh, tỉnh Hậu Giang) mà báo chí lo ngại sẽ “bức tử sông Hậu”, còn có 29 doanh nghiệp khác thuộc các ngành nghề thủy sản, sản xuất bia, dược phẩm, sản xuất thuốc phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, mía đường … có tên trong danh sách thanh tra của Tổng cục Môi trường đợt này./.