Người dân sống ven sông Hậu lo ngại Nhà máy giấy Lee & Man xả thải ra sẽ gây ô nhiễm nguồn nước, làm sinh kế bị đảo lộn.

vov_nha_may_giay_lilm.jpg
Người dân nuôi cá bè trên rạch Mái Dầm cạnh Nhà máy giấy Lee & Man - (Ảnh: Tấn Phong)
Người dân ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, gần nơi nhà máy sắp đưa vào hoạt động cho biết: Bao đời nay sông Hậu cung cấp nước và đem phù sa bồi đắp nên nơi đây đã trở thành vùng đất trù phú, màu mỡ, nổi tiếng cây xanh, trái ngọt và dồi dào tôm, cá. Hiện toàn huyện có hơn 10 ngàn ha cây ăn trái và diện tích nuôi thủy sản hơn 300 ha mỗi năm. Nếu nguồn nước sông Hậu ô nhiễm thì nguồn sinh kế của bà con cũng không còn.

Đối với địa phương Vĩnh Long, nơi có dòng sông Hậu hiền hòa bao bọc, người dân nơi đây rất lo lắng bởi khi nhà máy giấy Lee & Man đi vào hoạt động, 80% sản lượng nuôi cá tra trên sông Hậu bị ảnh hưởng.

Tỉnh Vĩnh Long hiện có gần 457 ha mặt nước sử dụng nuôi cá tra thâm canh. Phần lớn diện tích nuôi cá tra tập trung trên tuyến sông Hậu thuộc các huyện Trà Ôn, Bình Minh và Bình Tân.

Trước thông tin nhà máy giấy Lee & Man tại tỉnh Hậu Giang sắp đưa vào hoạt động, bà Phạm Thị Thu Hồng – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Vĩnh Long lo ngại khi nhà máy này hoạt động, xả thải, nếu không được xử lý triệt để sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ diện tích cá tra của  người dân nuôi cá trên sông Hậu.

Bà Hồng chia sẻ: “Ở Vĩnh Long  trên sông Hậu có 80% sản lượng là nuôi cá tra và các đối thượng  thủy sản khác. Nhánh sống Hậu ở phía mé  huyện Trà Ôn, Bình Minh, Bình Tân thì nó cũng anh ảnh. Nhà máy đó không chỉ ảnh hưởng riêng ngành thủy sản mà còn ảnh hưởng đến ngành kinh tế, xã hội của cả vùng ĐBSCL, vì khi nước hòa lẫn ra sông nếu có chất thải ô nhiễm  thì ảnh hưởng tất cả, chứ không riêng gì ngành thủy sản”.

Là tỉnh có hơn 60 km giáp với sông Hậu và có gần 2/3 dân số có đời sống kinh tế phụ thuộc vào nguồn nước từ con sông này nên những ngày qua, các cấp chính quyền lẫn người dân Trà Vinh rất quan tâm đến quy trình xử lý nước thải của nhà máy giấy khổng lồ này.

Ông Nguyễn Nam Tuấn, Chánh Văn phòng Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh cho rằng, muốn phát triển thì cần có sự đầu tư, tuy nhiên không phải là bằng mọi giá; phải thực hiện đúng quy trình, đúng cam kết như lúc được phê duyệt. Đặc biệt những nhà máy sử dụng lượng lớn hóa chất càng thận trọng hơn, sẵn sàng cho dừng dự án nếu xét không đảm bảo an toàn môi trường.

Ông Tuấn đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh Hậu Giang và Trung ương tăng cường chức năng giám sát, đánh giá tác động môi trường để đảm bảo nguồn nước xả thải đạt chuẩn, không gây ảnh hưởng đến môi trường, đến công đồng, xã hội.

Đại diện cho người nuôi cá tra cả nước, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng nếu nhà máy xả thải hóa chất không kiểm soát ra sông Hậu, gây ô nhiễm môi trường thì chắc chắn cuộc sống của người dân ở đây sẽ bị đảo lộn. Đồng nghĩa với việc nuôi cá tra, lợi thế so sánh của ĐBSCL – Việt Nam sẽ phải chấm dứt trong tương lai gần.

Trước thông tin nhà máy giấy sẽ “gây ô nhiễm” trầm trọng dòng sông Hậu, nhiều người dân vùng ĐBSCL lo âu, cho rằng nếu được lựa chọn, sẽ chọn sự bền vững cho sản xuất thủy sản và sự trong lành của sông Hậu. Người dân không chọn công trình nhà máy mà dự báo sẽ gây ô nhiễm, tác động xấu đến môi trường./.