Thương vụ mua bán giữa Metro Cash & Carry (CHLB Đức) và Tập đoàn BJC (Thái Lan) đang được dư luận rất quan tâm, với giá chuyển nhượng lên tới hơn 870 triệu USD, trong khi vốn đầu tư năm 2002 chỉ là 78 triệu USD. Vấn đề đặt ra là vì sao doanh thu của Metro liên tục tăng, nhưng họ liên tục báo lỗ tới 11/12 năm, mà vẫn đạt được thoả thuận cho một thương vụ lớn này, trong khi “nghi án” chuyển giá, trốn thuế chưa được sáng tỏ.
Theo thỏa thuận, Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan sẽ tiếp quản toàn bộ hoạt động kinh doanh của công ty Metro Việt Nam, bao gồm 19 trung tâm phân phối và danh mục bất động sản có liên quan với giá trị hơn 870 triệu USD, vượt xa số vốn đầu tư ban đầu 78 triệu USD.
Vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm là, trước khi rút khỏi thị trường Việt Nam sau thương vụ bán lại cho BJC, Metro liên tục báo lỗ trong suốt thời gian hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Ngoại trừ năm 2010 Metro công khai khoản lãi 116 tỷ đồng, còn lại 11 năm, Metro không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tổng cộng mức lỗ lũy kế đến năm 2012 của công ty này lên đến 598 tỉ đồng. Mặc dù vậy, tập đoàn này liên tục mở rộng đầu tư trong suốt 12 năm qua. Hệ thống siêu thị Metro được xây dựng tại nhiều tỉnh, thành phố trên khắp cả nước. Vậy có hay không việc doanh nghiệp này chuyển giá, trốn thuế?
Trước “nghịch lý” thua lỗ song vẫn mở rộng đầu tư kinh doanh, ông Trịnh Đình Long, Tổng Giám đốc Công ty Giải pháp Phát triển Doanh nghiệp (Amica), chuyên gia tư vấn chiến lược cạnh tranh, người từng làm quản lý tại Metro cho rằng, Metro là tập đoàn đa quốc gia, vận hành theo mô hình chuỗi siêu thị bán buôn, với nguyên tắc là phải phủ rộng và phủ nhanh để giành được những lợi thế về mặt bằng, đất đai, gia tăng thị phần. Vì vậy, nhà đầu tư nước ngoài này phải mở rộng đầu tư kinh doanh và vận hành hoạt động.
Ngoài ra, Metro là tập đoàn lớn của Đức, khi đầu tư ra nước ngoài, doanh nghiệp này luôn tuân thủ mọi quy định về pháp luật với nước sở tại, do đó sẽ không có chuyện hãng này trốn thuế tại Việt Nam, song lại có khả năng “lách thuế”.
Theo ông Long, không ít tập đoàn đa quốc gia tận dụng những kẽ hở về quy định luật pháp mà nước sở tại chưa có để lách thuế hoặc thậm chí chuyển qua các quốc gia khác có đầu tư để đóng thuế rẻ hơn. Chuyển giá luôn được các tập đoàn đa quốc gia vận dụng để tìm cách giảm thuế phải đóng ở nước sở tại mà họ đang kinh doanh. Theo đó, các doanh nghiệp thường báo lỗ ở nước sở tại, song lãi của họ có được lại nằm ở quốc gia khác, với các hình thức chuyển giá chủ yếu như hợp thức hoá đầu vào trên sổ sách thông qua việc đầu tư, mua các máy móc, chi phí, đào tạo nhân viên, đại lý, nhà cung cấp...
“Theo quan điểm của tôi, không nên tập trung vào nghi vấn trốn thuế, vì trốn thuế ít xảy ra. Trên sổ sách là khoản lỗ thật, chi phí của họ là có thật như đào tạo nhân viên, quảng cáo, cung cấp dịch vụ để có hệ thống, họ có nhiều nhãn hiệu riêng giai đoạn ban đầu họ phải đầu mất chi phí thật, giá sản xuất thấp hơn giá đang bán. Công ty đầu tư ở nước sở tại không có lãi nhưng lãi nằm ở quốc gia khác. Khi họ chuyển nhượng, trên sổ sách không có lãi nhưng khi bán có lãi. Như Metro, trên sổ sách lỗ gần 30 triệu USD, nhưng bán lãi tận 550 triệu USD. Vấn đề chuyển giá, trên thế giới cũng đang đặt ra. Ở Việt Nam cũng đang nỗ lực ngăn chặn tình trạng này”, ông Trịnh Đình Long đưa ra giả thiết.
Nhìn nhận một cách khách quan, trong suốt 12 năm hoạt động tại Việt Nam, Metro đã thành lập 19 trung tâm phân phối hàng hóa trên toàn quốc, tạo việc cho hơn 5.000 lao động, xây dựng hệ thống phân phối, tiêu thụ hàng hóa. Theo kết quả thanh tra của Bộ Công Thương cho thấy, 90% hàng hóa bán tại các trung tâm Metro là của Việt Nam.
Tuy nhiên, việc một doanh nghiệp nước ngoài nhận được nhiều ưu đãi lớn như miễn 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm đầu, được kinh doanh tại những vị trí đẹp…lại liên tục báo lỗ, không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng vẫn không ngừng mở rộng đầu tư, khiến dư luận không khỏi nghi ngờ về việc chuyển giá, trục lợi.
Liên quan vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công - Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hơn 10 năm qua Metro báo lỗ là do doanh nghiệp này liên tục đầu tư mở các trung tâm mới. Do thua lỗ, Metro không nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng đã nộp 921 tỷ đồng các loại thuế khác.
Cơ quan chức năng đã kiểm tra kết quả kinh doanh từng điểm bán thì họ lãi, song do vốn đầu tư từng nơi khá lớn nên làm doanh nghiệp thua lỗ. Thực tế lỗ lãi và có hay không việc chuyển giá của Metro, thì rất cần sự vào cuộc cuộc kiểm tra, thanh tra của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính để làm sáng tỏ vấn đề. Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, qua thương vụ này cần nhìn nhận lại vấn đề trong ưu đãi đối với doanh nghiệp FDI.
“Khi ta cấp quyền cho họ được phép mua bán dựa vào luật đầu tư, luật cạnh tranh, thì không có gì sai. Nhưng với doanh nghiệp mới họ mong muốn ưu đãi đầu tư thì liệu có đúng không? Trong khi Metro đã ưu đãi 12 năm rồi, Bộ Kế hoạch Đầu tư cần xem xét việc này, khi Metro vào Việt Nam thì đã được ưu đãi với mức lớn hơn. Nên chăng là đúng bao nhiêu năm đã được ưu đãi thì ta chấm dứt ở đó. Còn liên quan đến lỗ lãi và chuyển giá, thực sự họ có lỗ hay không, Bộ Tài chính và Tổng cục thuế phải vào cuộc kiểm tra họ lỗ thế nào, thu thuế thu nhập doanh nghiệp của họ. Còn xin giấy phép thành lập tổ chức phân phối tại Việt Nam, thì chúng tôi sẽ xem xét có cho phân phối hay không và theo hình thức nào”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chỉ rõ.
Dự kiến đến giữa năm 2015, thương vụ Metro - BJC mới hoàn tất. Theo các chuyên gia, việc Tập đoàn BJC mua lại Metro, tức là cũng phải thực hiện cả quyền lợi và nghĩa vụ mà hãng này để lại. Do đó, trước mắt, các cơ quan thuế cần nhanh chóng vào cuộc để làm sáng tỏ “nghi án” chuyển giá.
Ngoài ra, một vấn đề khác cần lưu ý là khoản thuế chuyển nhượng của thương vụ này, cho đến nay vẫn chưa có thông tin cụ thể. Hiện, Thanh tra của Tổng cục Thuế đang giám sát chặt chẽ thương vụ chuyển nhượng của Metro để thu thuế chuyển nhượng vốn./.