metro_chnz.jpg
Việc chuyển nhượng trị giá gần 900 triệu USD của Metro Việt Nam (Tập đoàn Metro Đức) cho tập đoàn BJC (Thái Lan) được xem là lớn nhất trong ngành bán lẻ Việt Nam đang nhận được sự quan tâm, nhận định của các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia kinh tế.
Giá trị thương hiệu

Theo Tiến sĩ Trần Văn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, việc chuyển nhượng trị giá gần 900 triệu USD đây cũng chỉ là “ giá phải chăng” và là hoạt động bình thường của các nhà đầu tư.

Lí giải cho nhận định này, Tiến sĩ Trần Văn chỉ ra, ngoài 19 đại siêu thị bán sỉ với công nghệ bán hàng tiên tiến, thái độ phục vụ văn minh bậc nhất, hướng tới các giá trị cho khách hàng, đặt tại các trung tâm đô thị sầm uất nhất, là thị trường tiêu thụ triển vọng nhất, Metro còn sở hữu hai trung trạm trung chuyển rau quả hiện đại nhất đặt tại Lâm Đồng và trạm trung chuyển thủy sản đạt tiêu chuẩn quốc tế tại Cần Thơ.

Cùng chung quan điểm, PGS- Tiến sĩ Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công Thương cũng cho rằng giá trị của Metro Việt Nam còn nằm ở vị thế của dẫn đầu thị trường. Ngay từ khi bước chân vào Việt Nam, Metro đã khẳng định được tầm nhìn của một tập đoàn quốc tế lớn thông qua việc xây dựng được các chuỗi cung ứng bền vững gắn với sản xuất nông nghiệp, cơ sở chế biến nông sản thực phẩm, phát triển hạ tầng thương mại điện tử, đảm bảo an ninh quốc tế sang ứng dụng tại Việt Nam. Ngoài ra, Metro Việt Nam rất tích cực phối hợp với các cơ quan Chính phủ Việt Nam trong các dự án hỗ trợ nông dân, phát triển nông nghiệp. Hiện nay, Metro Việt Nam đang là một trong 6 tập đoàn đa quốc gia phối hợp với Bộ NN&PTNT thực hiện chương trình hợp tác công tư cùng thực hiện nỗ lực thúc đẩy áp dụng thực hành nuôi trồng thủy sản tốt và  kết nối  sản phẩm với các thị trường.

Ngoài giá trị của Metro Việt Nam còn bao gồm cả giá trị thương hiệu và uy tín toàn cầu của Metro Cash & Carry, một tập đoàn siêu thị bán sỉ quốc tế hàng đầu thế giới với trên 750 trung tâm bán sỉ đang hoạt động tại 28 quốc gia. Đây chính là yếu tố quan trọng để Tập đoàn BJC của Thái Lan bỏ ra gần 900 triệu đô để mua lại Metro Cash & Carry. Cái “ ược” của BJC không chỉ sở hữu thương hiệu đứng đầu thị trường bán lẻ Việt Nam, mà còn là một bước quan trọng để xây dựng tên tuổi của mình trên thị trường bán lẻ thế giới. 

Biết cạnh tranh DN nội mới lớn mạnh

Đề cập đến hiện tượng Metro lỗ mà vẫn mở rộng hệ thống, Tiến sĩ Trần Văn cho rằng, Metro là một tập đoàn đa quốc gia lớn, kết quả tài chính của Tập đoàn là quan trọng nhưng triển vọng phát triển trong tương lai còn quan trọng hơn. Metro có thể tạm thời hy sinh các mục tiêu ngắn hạn để hướng tới các mục tiêu dài hạn, lâu dài. Bình thường thì khi tiềm lực tài chính của doanh nghiệp hạn chế do liên tục thua lỗ thì tái sản xuất mở rộng sẽ rất khó khăn nhưng trường hợp của Metro có thể khác.

Là lĩnh vực còn khá mới mẻ của Việt Nam nhưng đầy tiềm năng phát triển, Tiến sĩ Trần Văn cho rằng thương vụ Metro – BJC sẽ là bài học nhãn tiền cho các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp trong nước. Ông chỉ ra cơ hội là bình đẳng đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước từ khía cạnh quy định của pháp luật về đầu tư, còn sự lựa chọn thương hiệu dịch vụ là quyền của người tiêu dùng. Việc “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” phải thấm vào máu thịt người Việt chứ không chỉ dừng ở khẩu hiệu, vận động, như Nhật Bản, người Hàn Quốc… đã làm được.

Là một người  đã nhiều năm tham gia nghiên cứu về chính sách, cơ chế quản lý thương mại - hội nhập kinh tế quốc tế PGS – TS Phạm Tất Thắng cho biết, thực tế cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài làm ăn bài bản hơn. Họ dựa trên tiềm lực về nguồn vốn, công nghệ và những ý tưởng độc đáo để cạnh tranh. Cũng nhờ đó mà người tiêu dùng Việt Nam được hưởng lợi, đồng thời cũng tạo ra một hình mẫu để doanh nghiệp trong nước vươn lên học hỏi.  Chỉ có thông qua cọ sát, cạnh tranh quốc tế thì doanh nghiệp Việt Nam mới có thể phát triển lên được…/.