Năm 2014, kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam - Cuba đạt xấp xỉ 205,4 triệu USD nhưng đây được nhận định là một con số còn rất khiêm tốn. Sau khi Mỹ tuyên bố hàng loạt biện pháp nhằm nới lỏng lệnh cấm vận suốt nửa thế kỷ qua với Cuba, cho phép Havana mở rộng các hoạt động du lịch, thương mại và tài chính đã mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức trong hợp tác kinh tế giữa Cuba và các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Với một thị trường đầy tiềm năng như vậy, đâu sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam?
Là một trong những doanh nghiệp đầu tiên tiến quân vào thị trường Cuba, bên cạnh các sản phẩm xuất khẩu như máy tính và linh kiện điện tử, doanh nghiệp Hanel còn đang xúc tiến triển khai dự án bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp tại Cuba.
Bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp tại Cuba cũng là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam. (Ảnh minh họa: KT) |
Ngay sau khi Mỹ tuyên bố nới lỏng lệnh cấm vận với Cuba, thị trường này đã trở nên sôi động với làn sóng các doanh nghiệp nước ngoài đến tìm kiếm cơ hội đầu tư. Cùng với dòng kiều hối chuyển về Cuba và sự bứt phá đầu tiên của ngành du lịch, Cuba sẽ có được nguồn tiền dồi dào hơn, từ đó tháo gỡ được vấn đề thanh toán quốc tế, một trong những vướng mắc nổi cộm của thị trường này suốt nhiều năm qua.
Ông Trần Duy Đông - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Mỹ, Bộ Công Thương - cho biết: “Trước đây thanh toán với Cuba rất khó, đó là thanh toán qua đồng Euro, qua một ngân hàng Đức. Với việc bỏ cấm vận, các ngân hàng của Cuba có thể mở tài khoản tại Mỹ nên việc thanh toán thuận lợi hơn rất nhiều, khâu thanh toán này sẽ góp phần nâng kim ngạch giữa Việt Nam và Cuba tăng mạnh trong thời gian tới”.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại vào thị trường này qua các Hội chợ quốc tế, Diễn đàn kinh tế cũng như các buổi hội thảo, tạo điều kiện kết nối doanh nghiệp hai nước./.