Thủ tướng Chính phủ mới ban hành Quyết định 852QĐ-TTg phê duyệt “Đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giai đoạn 2017 - 2020.

Theo đó, EVN sẽ trở thành Tập đoàn kinh tế mạnh, hoạt động hiệu quả, giữ vai trò chủ đạo trong việc đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và an ninh quốc phòng của đất nước.

evn1_vov_bgrd_fkax.jpg
Từ năm 2017 – 2020, EVN sẽ thoái vốn tại nhiều công ty thành viên.
EVN tập trung sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh mua bán điện năng; xuất nhập khẩu điện năng; đầu tư và quản lý vốn đầu tư các dự án điện; quản lý, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng, đại tu, cải tạo, nâng cấp thiết bị hệ thống, công trình điện…

Công ty mẹ - EVN tiếp tục là Công ty TNHH MTV viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, các đơn vị trực thuộc nằm trong công ty mẹ EVN giữ nguyên cơ cấu tổ chức cũng như cơ chế hoạt động.

EVN tiếp tục nắm giữ 100% vốn điều lệ tại 6 Tổng công ty và 1 trung tâm; nắm giữ trên 50% vốn điều lệ tại 2 công ty cổ phần tư vấn xây dựng điện 1 và 2. Đồng thời, EVN nắm giữ ít nhất 51% vốn điều lệ các Tổng công ty phát điện đến hết năm 2019, năm 2020 tiếp tục xem xét thoái phần vốn nhà nước còn nắm giữ xuống dưới mức chi phối.

Đặc biệt, từ năm 2017 – 2020, EVN sẽ thoái vốn tại Công ty cổ phần Năng lượng Vĩnh Tân 3 sau khi hoàn thành dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3; thoái vốn toàn bộ tại Công ty Tài chính CP Điện lực; Công ty CP Cơ điện Thủ Đức; Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh - CTCP; Công ty CP Phong điện Thuận Bình; Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 3; Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 4./.