Quyền tự do kinh doanh được khẳng định trong Hiến pháp năm 2013 thể hiện sự cởi mở của Nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Trên cơ sở này, hệ thống pháp luật kinh doanh trong vài năm gần đây đã có những biến chuyển theo hướng tích cực, thể hiện cụ thể ở Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Đầu tư 2014 cùng hàng loạt chính sách khác đã góp phần “cởi trói” cho doanh nghiệp.

Nhưng bên cạnh những chuyển biến theo hướng tích cực, trong hệ thống pháp luật vẫn còn chứa đựng nhiều rào cản khiến cho việc hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn.

img_0029_iufh.jpg
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI đề xuất loại bỏ 16 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Báo cáo rà soát điều kiện kinh doanh và quyền tự do kinh doanh ở Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, vì không có chuẩn chung để đánh giá tính hợp lý, cần thiết của các quy định về điều kiện kinh doanh, ngành nghề kinh doanh có điều kiện… nên xảy ra hiện tượng nhiều ngành nghề lẽ ra không cần phải kiểm soát bằng điều kiện nhưng vẫn xác định là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Điều này vô hình chung khiến cho quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp bị hạn chế.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, danh mục trong Luật Đầu tư năm 2014 đã được điều chỉnh từ 267 xuống còn 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Điều này thể hiện được tinh thần cải cách, thúc đẩy quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, nhất quán với các chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, nhưng vẫn không thể khẳng định danh mục hiện tại đã là hoàn hảo.

“Hoạt động rà soát đánh giá các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện cần được thực hiện tường xuyên để xác định chính xác các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện phù hợp với mục tiêu quy định trong Luật Đầu tư 2014 đảm bảo sự quản lý của Nhà nước vừa hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Phòng nêu rõ.

Đại diện doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội ô tô Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp cảm giác điều kiện kinh doanh là một rào cản nguy hiểm. Các doanh nghiệp cũng rất bức xúc về điều này khi đang gây khó khăn nhưng nếu không có điều kiện kinh doanh sẽ rất loạn.

“Điều kiện kinh doanh nên đơn giản hơn, cơ quan quản lý đang có hướng đưa thông tư vào nghị định. Nhiều vấn đề thuộc về điều kiện kinh doanh cấp thông tư không được ban hành nhưng đã trót ban hành, nên khi sửa nghị định đã đưa thông tư vào lồng ghép trong nghị định khiến có những nghị định rất nặng nề. Hiệp hội đã có gửi 23 kiến nghị sửa đổi nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi”, ông Thanh bày tỏ.

Nhận xét về quá trình rà soát điều kiện và quyền tự do kinh doanh, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết, với 5.719 điều kiện kinh doanh liên quan đến 243 ngành, nghề kinh doanh hiện nay là con số tương đối lớn. Khi các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính được loại bỏ và có bộ quy tắc tốt sẽ giảm thiểu tối đa thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Ông Tuấn lưu ý, ngành, nghề kinh doanh có thể thay bằng biện pháp quản lý khác thay vì điều kiện đầu tư kinh doanh. Một số ngành nghề cần có sự quản lý của nhà nước, nhưng điều kiện đầu tư kinh doanh không phải là công cụ quản lý tốt nhất.

“Còn có rất nhiều công cụ quản lý khác theo quy chuẩn và các quy định quản lý quá trình kinh doanh, quản lý chất lượng sản phẩm đầu ra hay pháp luật bảo vệ môi trường, phóng cháy chữa cháy. Về cơ bản, các quy định này tốt hơn điều kiện đầu tư kinh doanh do không hạn chế gia nhập thị trường, đảm bảo quyền tự do kinh doanh”, ông Tuấn bày tỏ.

Để góp phần chủ động rà soát thường xuyên về ngành nghề kinh doanh có điều kiện, ông Tuấn kiến nghị 16 ngành, nghề không nên đưa vào danh mục và 10 ngành nghề có phạm vị kiểm soát chưa phù hợp.

Thừa nhận điều kiện kinh doanh đang quá nhiều, xuất hiện ở tất cả các lĩnh vực nhưng bỏ sẽ rất khó quản lý, LS. Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO nêu rõ, điều kiện kinh doanh giảm được chỗ này lại tăng chỗ kia. Nhiều đối tượng liên quan đến các quy định không muốn bỏ, kể cả doanh nghiệp.

LS. Trương Thanh Đức cho rằng, việc đưa ra quá nhiều quy hoạch ngành, nghề chi tiết đã dẫn đến tình trạng tương tự như ngăn cấm, gây trở ngại khó khăn cho quyền tự do hoạt động đầu tư kinh doanh. Ví dụ, quy hoạch thương nhân, kinh doanh xuất khẩu gạo của Bộ Công thương đã đưa ra các tiêu chí quá cao, dẫn đến tình trạng loại bỏ đa số doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

“Việc giảm 267 xuống 243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện không có nghĩa là sau 2 năm đã giảm được 24 ngành, nghề mà phần lớn là giảm do sắp xếp lại, thay đổi từ ngữ và sáp nhập một số ngành, nghề” LS. Trương Thanh Đức nêu rõ.

LS. Trương Thanh Đức đặc biệt lưu ý, trong mấy năm gần đây, điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính đã được quan tâm giải quyết theo hướng đơn giản hóa và thông thoáng.

Nhưng các vấn đề quy hoạch, quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng đang còn ít được quan tâm. Đặc biệt nguy cơ lớn nhất là lách điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật và Nghị định, thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội và Chính phủ thành quy chuẩn chất lượng theo quy định của Thông tư, chỉ thuộc thẩm quyền banh hành của Bộ./.