Trả lời câu hỏi về quá trình điều tra vụ việc có dấu hiệu vi phạm về tập trung kinh tế theo Luật Cạnh tranh 2004 giữa Công ty TNHH GrabTaxi (Grab) và Công ty TNHH Uber Việt Nam, bà Trần Phương Lan, Trưởng phòng Kiểm soát tập trung kinh tế - Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết vụ việc Grab mua lại Uber đang trong quá trình điều tra chính thức.,

“Thời gian điều tra chính thức Grab mua lại Uber được thực hiện trong vòng 180 ngày kể từ ngày cơ quan quản lý nhà nước ra quyết định điều tra chính thức (ngày 18/5/2018). Vì vậy, quá trình điều tra chính thức vụ việc Grab mua lại Uber sẽ kết thúc vào ngày 18/11/2018”, bà Lan cho biết.

vov_lanlan_xvza.jpg
Bà Trần Phương Lan, Trưởng phòng Kiểm soát tập trung kinh tế - Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương).

Bà Lan cho biết thêm, sau khi kết thúc quá trình điều tra chính thức, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) sẽ chuyển hồ sơ vụ việc, báo cáo điều tra và kết luận điều tra lên Hội đồng Cạnh tranh để xử lý theo quy trình tố tụng của Luật Cạnh tranh 2004.

Trong trường hợp vụ việc này chưa được xử lý xong và đang bị điều tra và chưa kết thúc, trong khi Luật Cạnh tranh 2018 lại đến thời điểm có hiệu lực (1/7/2019), theo Điều 118 (Điều khoản chuyển tiếp của Luật Cạnh tranh 2018), vụ việc điều tra này sẽ được tiếp tục xem xét và giải quyết trong hai trường hợp:

Trường hợp thứ nhất, nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm đang bị điều tra, xử lý được xác định là không vi phạm quy định Luật Cạnh tranh 2018 sẽ được đình chỉ điều tra xử lý. Đồng thời, Hội đồng Cạnh tranh đánh giá tác động của vụ việc theo quy định của Luật Cạnh tranh 2018 để xem xét doanh nghiệp có vi phạm hay không.

Trường hợp thứ hai, nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm đang bị điều tra, xử lý giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh mà vẫn bị xác định vi phạm quy định của Luật Cạnh tranh 2018, sẽ tiếp tục bị điều tra, xử lý và giải quyết khiếu nại theo quy định của Luật Cạnh tranh 2018.

Cũng theo bà Lan, sau khi Luật Cạnh tranh 2018 có hiệu lực, đối với những vụ việc vi phạm cạnh tranh khác đã được điều tra trước đó, nhưng tiếp tục vi phạm sẽ được quay lại điều tra từ thời hiệu khiếu nại và thời hiệu tự khởi xướng vụ việc vi phạm theo quy định của Luật Cạnh tranh 2018 trong thời gian 3 năm.

Do đó, tính từ thời điểm phát hiện vi phạm ngược lại 3 năm, nếu doanh nghiệp bị phát hiện các hành vi vi phạm vẫn đang được thực hiện, hoặc có bất cứ một bên liên quan hoặc đối thủ cạnh tranh phát hiện ra vi phạm…lúc đó vụ việc vi phạm cạnh tranh của doanh nghiệp vẫn sẽ được xử lý theo Luật Cạnh tranh 2018./.

Ngày 26/3/2018, Công ty TNHH GrabTaxi (Grab) đã công bố thông tin về việc mua lại hoạt động kinh doanh của Uber tại thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Cụ thể, Grab sẽ tiếp nhận mảng dịch vụ chia sẻ xe (ridesharing) và vận chuyển thực phẩm trong khu vực Đông Nam Á vào hệ thống vận tải đa phương tiện và nền tảng công nghệ của Grab. Đổi lại, Uber trở thành cổ đông sở hữu 27,5% tổng số cổ phần của Grab.

Ngay sau đó, ngày 27/3, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD – Bộ Công Thương) đã gửi Công văn số 190/CT-TKT đề nghị Công ty TNHH GrabTaxi (GrabTaxi) cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến việc mua lại nêu trên.

Văn bản của Grab trả lời Cục CT&BVNTD ngày 5/4 cho rằng, thị phần kết hợp của Grab và Uber trên thị trường liên quan tại Việt Nam được xác định thấp hơn 30%. Do đó, Grab hiểu rằng các bên tham gia giao dịch không phải thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành và hoàn tất giao dịch tại Việt Nam.

Sau đó, ngày 16/5, Cục CT&BVNTD đã ban hành Quyết định số 45/QĐ-CT về việc điều tra sơ bộ hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh về tập trung kinh tế giữa Công ty TNHH GrabTaxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam liên quan đến vụ việc Grab mua lại các hoạt động của Uber tại Đông Nam Á, trong đó có thị trường Việt Nam.

Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy, việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại thị trường Việt Nam có thị phần kết hợp vượt ngưỡng 50%. Như vậy, vụ việc này có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế quy định tại Mục 3 Chương II Luật Cạnh tranh 2004.

Đến ngày 18/5, Cục CT&BVNTD đã ra Quyết định điều tra chính thức vụ việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại thị trường Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật cạnh tranh. Thời hạn điều tra chính thức là 180 ngày kể từ ngày có quyết định điều tra chính thức; trường hợp cần thiết, có thể gia hạn không quá hai lần, mỗi lần không quá 60 ngày.