Trong buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh với hàng trăm doanh nghiệp của TP HCM mới đây, các doanh nghiệp đã nêu ra nhiều vướng mắc và kiến nghị nhiều vấn đề rất cụ thể. Kịp thời tháo gỡ những vướng mắc này sẽ giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong thời điểm hiện nay.

Theo các doanh nghiệp TP HCM, tình hình kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Trong đó, những vướng mắc hiện tại của các doanh nghiệp chưa có những giải pháp cụ thể để giải quyết hiệu quả như: hàng tồn kho cao, lãi suất ngân hàng cao, doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận vốn. Hàng tồn kho nhiều không chỉ rơi vào bất động sản và vật liệu xây dựng mà có cả ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Nghị quyết 02 của Chính phủ về những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu đã triển khai nhưng rất chậm. Cụ thể là, Nghị quyết đã triển khai được 2 tháng nhưng chỉ có Bộ Tài chính có thông tư hướng dẫn một số nội dung và  đến ngày 1/7 tới thông tư này mới có hiệu lực.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM  kiến nghị: Để triển khai Nhị quyết 02 thì cần nhiều thông tư, chỉ thị và nhiều văn bản nữa. Vừa rồi Bộ Tài chính có thông tư hướng dẫn nhưng triển khai thực hiện cũng rất chậm. Nghị quyết 02, hiện nay, chỉ mới ở mức động viên tinh thần doanh nghiệp. Mong rằng các ngành chức năng nhanh chóng triển khai các gói hỗ trợ trong nghị quyết 02 của Chính phủ cho doanh nghiệp”.

Bên cạnh đó, các ngân hàng chủ yếu hướng đến các doanh nghiệp lớn nên các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó tiếp cận vốn vay. Qua khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM, có đến 64% doanh nghiệp cho biết khó tiếp cận vốn, còn nếu vay được thì lãi suất cũng ở mức cao, từ 18-21%.

Như vậy, việc Ngân hàng Nhà nước thông báo lãi suất cho doanh nghiệp vay áp dụng từ ngày 24/1/2012 đã giảm xuống còn 12% năm trên thực tế chỉ có doanh nghiệp lớn vay được. Các doanh nghiệp cũng cho rằng, những dịch vụ liên quan đến ngân hàng đang chịu rất nhiều loại phí không hợp lý, nhất là phí kiểm đếm. Đồng thời, những chính sách liên quan đến thuế, như thuế VAT đối với hàng tồn kho hay một số loại phí khác hiện nay chưa hợp lý đã làm tăng thêm chi phí sản xuất của doanh nghiệp, làm cho doanh nghiệp càng thêm khó khăn.

Ông Văn Đức Mười  Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho biết: “Cần 1 cơ chế nhanh chóng kịp thời cho các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; lãi suất cần tiếp tục điều chỉnh giảm; Nhà nước nên giản thuế VAT để tạo 1 khoản tiền không lãi, tạo 1 chu kỳ sản xuất mới cho doanh nghiệp…”.

Ghi nhận những phản ánh của doanh nghiệp,  UBND TP HCM đã có văn bản kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có những giải pháp về vốn, lãi suất để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Riêng về thủ tục hành chính, 68% doanh nghiệp cho rằng thủ tục hành chính còn rườm rà, chưa thuận lợi nên UBND Thành phố sẽ chỉ đạo các ngành chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và tiếp tục rà soát lại các thủ tục để đơn giản hoá.

Ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ tịch UBND TP HCM cho biết: “Sắp tới, chúng tôi giải quyết khó khăn với từng hiệp hội trong hiệp hội doanh nghiệp. Tôi đề nghị các hiệp hội doanh nghiệp làm một danh sách các doanh nghiệp khó khăn như thế nào để chúng tôi sẽ có biện pháp hỗ trợ...”

Trước khó khăn hiện nay, nhiều doanh nghiệp cũng đã tự cơ cấu lại ngành sản xuất của mình, tự xoay sở vốn và làm nhiều cách khác để vượt khó. Nhưng điều mà doanh nghiệp ở TP HCM đang trông chờ nhất hiện nay, là các bộ, ngành chức năng mạnh dạn tháo gỡ những rào cản chính sách không phù hợp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, các bộ, ngành chức năng nên khẩn trương triển khai các thông tư, văn bản hướng dẫn liên quan đến nội dung Nghị quyết 02 của Chính phủ để nghị quyết sớm phát huy tác dụng./.