Với hơn 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động, hàng năm, các doanh nghiệp tư nhân đóng góp khoảng 30% cho ngân sách Nhà nước và 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam. Doanh nghiệp tư nhân cũng thu hút khoảng 52% lực lượng lao động cả nước và tạo ra khoảng 1,2 triệu việc làm mỗi năm. Tuy nhiên, quy mô và nội lực của khối doanh nghiệp tư nhân đa phần còn nhỏ và yếu, năng lực cạnh tranh thấp.

Theo Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam, số lượng doanh nghiệp tư nhân luôn chiếm tỷ lệ trên 60%, kể cả trong giai đoạn sóng gió của kinh tế toàn cầu và Việt Nam (từ năm 2009-2013).

kttn1_entx.jpg
Khu vực kinh tế tư nhân tạo ra khoảng 1,2 triệu việc làm mỗi năm.
Nhóm doanh nghiệp tư nhân cũng là nhóm thu hút nhiều lao động nhất và tạo ra nhiều việc làm nhất (chiếm tới 60-80% số việc làm mới được tạo ra). Tuy nhiên, dù chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế nhưng những hạn chế, tồn tại của khu vực kinh tế tư nhân lại rất lớn.

Theo nhận định của các hiệp hội doanh nghiệp, dù có sức vươn lên và phát triển mạnh mẽ, nhưng quy mô và nội lực của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đa phần còn nhỏ và yếu kém. Khu vực doanh nghiệp tư nhân cũng phải đối mặt với những khó khăn khách quan, nhưng chưa được đối xử bình đẳng so với khu vực doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp lớn. 

Ông Đinh Công Khương, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty thép Khương Ma cho rằng, giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước còn có những chính sách chưa bình đẳng.

“Một số chính sách đối với doanh nghiệp nhà nước được ưu tiên, còn doanh nghiệp tư nhân chưa được như vậy. Cụ thể như chính sách về đất đai, chính sách của các ban ngành khi kiểm tra, doanh nghiệp của nhà nước ít kiểm tra, còn doanh nghiệp tư nhân thì kiểm tra nhiều hơn”, ông Khương cho biết.

Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chương trình, chính sách, hành động để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo niềm tin và động lực cho bộ phận doanh nghiệp này vượt qua rào cản, phát huy hết tiềm lực và khả năng, đóng góp vào phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, trên thực tế, những chính sách này còn phân tán, thiếu minh bạch, doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận.

Theo ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, hiện nay có nhiều chính sách được ban hành nhằm đơn giản thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, nhưng áp dụng vào thực tiễn vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.

“Khi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư 2014 ra đời, nhiều thể chế đã được cởi trói, chính sách phát triển kinh tế tư nhân tương đối rõ nhưng việc thực thi thể chế là ách tắc lớn nhất. Bộ máy nhà nước cồng kềnh, kém hiệu quả và đội ngũ công chức nhà nước chưa thực sự mẫn cán, chưa chuyên nghiệp và chưa có tinh thần phục vụ cho doanh nghiệp”, ông Nguyễn Mại chỉ rõ.

Theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong năm nay của cả nước là gần 12.500 doanh nghiệp, tăng gần 32% so với cùng kỳ năm trước. Trong nhóm doanh nghiệp ngừng hoạt động chính thức giải thể, số lượng doanh nghiệp nhỏ, vừa, siêu nhỏ hay doanh nghiệp tư nhân chiếm gần như tuyệt đối (khoảng 92,5%). Đây tiếp tục là dấu hiệu đáng lo đối với khu vực kinh tế tư nhân.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, để khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực lớn thúc đẩy nhanh sự phát triển của nền kinh tế cần có những giải pháp thiết thực hơn; trong đó cần đặc biệt đẩy mạnh rút ngắn khoảng cách từ chính sách đến thực thi.

“Điều quan trọng nhất khu vực kinh tế tư nhân cần là tạo dựng một môi trường cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt đối xử. Doanh nghiệp tư nhân cần một chương trình hỗ trợ, có các biện pháp yểm trợ cho họ để họ có thể phát triển và trở thành đầu tàu của nền kinh tế, trở thành những thương hiệu lớn của nền kinh tế, là trung tâm kết nối nền kinh tế Việt Nam với thế giới, hình thành chuỗi giá trị của chính những doanh nghiệp Việt Nam”, ông Lộc phân tích.

Nền kinh tế Việt Nam muốn phát triển vững mạnh không thể không có một khu vực kinh tế tư nhân trong nước tăng trưởng hiệu quả, lớn mạnh. Các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, Chính phủ cùng các bộ, ngành cần tiếp thu, nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung các chính sách pháp luật liên quan, trước hết là một số việc bất cập, tồn tại kéo dài.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần nỗ lực hành động để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có thể gắn kết cùng nhau hợp tác, lớn mạnh trên sân nhà - trong nền kinh tế quốc gia Việt Nam và vươn ra thế giới thành công./.