Thể hiện cam kết mạnh mẽ thúc đẩy cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN), từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 58/2016/QĐ-TTg về tiêu chí phân loại DNNN, trong đó xác định rõ danh mục DNNN sẽ thực hiện CPH đến năm 2020 bao gồm nhiều tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn.
Một trong những giải pháp để đạt được mục tiêu và hiệu quả của CPH nói chung và nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp CPH nói riêng chính là việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào CPH, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược quốc tế. Tuy nhiên, thời gian qua, việc tìm kiếm được các nhà đầu tư chiến lược luôn gặp thách thức, khó khăn, đòi hỏi nhiều thời gian, chi phí, tồn tại nhiều mâu thuẫn mục tiêu của các bên tham gia, thậm chí việc tìm kiếm cổ đông chiến lược làm trì hoãn CPH ở một số trường hợp.
Nhà đầu tư e ngại
Tại Hội thảo Báo cáo kết quả nghiên cứu về “Cổ đông chiến lược trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước” do Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức chiều 30/10 tại Hà Nội, nhiều đại biểu đánh giá, quá trình tìm kiếm cổ đông chiến lược của các DNNN thời gian qua chưa thành công.
Tìm kiếm cổ đông chiến lược của Sabeco cũng gặp nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa: KT) |
Theo đại diện Ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp – CIEM, trong số 28.369 tỷ đồng được phê duyệt bán cho nhà đầu tư chiến lược chỉ có 12.762 tỷ đồng đã bán được, đạt chưa đến 1/2 con số được phê duyệt. Phần lớn tỷ lệ bán cho nhà đầu tư chiến lược được phê duyệt thường nhỏ và là nhân tố làm giảm sự quan tâm của các nhà đầu tư chiến lược nói chung và các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài nói riêng.
Báo cáo của CIEM cũng chỉ rõ 5 nguyên nhân khiến việc bán cổ phần của DNNN cho cổ đông chiến lược gặp khó khăn. Nguyên nhân chính khiến CPH các DNNN chưa thực sự thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt là các nhà đầu tư quốc tế và việc duy trì quy định hạn chế tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài trong một số ngành nghề lĩnh vực.
Ngoài ra, việc xác định giá trị doanh nghiệp và bán cổ phần tại các DNNN chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và chưa phản ánh đúng giá trị cả doanh nghiệp, cùng với việc thiếu công khai, minh bạch trong tiến trình CPH và thoái vốn cũng là những nguyên nhân khiến nhà đầu tư e ngại.
Cùng với đó, các DNNN kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế trong tiến trình CPH do bộc lộ nhiều nhược điểm nội tại như đầu tư dàn trải vào nhiều lĩnh vực, quản trị kém, nợ đọng cao, thiếu năng lực chuyên môn cũng như thủ tục CPH phức tạp kéo dài thời gian và nhiều yêu cầu khó khả thi đã khiến CPH các DNNN thời gian qua chưa thực sự thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt là các nhà đầu tư quốc tế.
Không nên đặt ra các tiêu chí cứng
Trong 5 giải pháp đưa ra để thu hút cổ đông chiến lược, báo cáo của CIEM cho rằng cần quy định tiêu chí rõ ràng minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, bao gồm cả đối với nhà đầu tư chiến lược quốc tế; Đổi mới cơ chế xác định giá trị DN và giá bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược; Nâng cao tính công khai, minh bạch thông tin trong quá trình CPH. Nâng cao vai trò của nhà đầu tư chiến lược vào quản trị DN sau CPH và tiếp tục đổi mới, cải thiện quản trị, nâng cao hiệu quả của khu vực DNNN nhằm thu hút nhà đầu tư chiến lược.
Theo TS. Võ Trí Thành, trong bối cảnh nhà đầu tư chiến lược trong nước không nhiều, nhưng cổ đông nước ngoài lại hết sức quan tâm đến việc mua cổ phần DNNN nên một số lĩnh vực được quy định bán cổ phần có chừng mực.
Do đó, theo TS. Võ Trí Thành, trong việc quy định giới hạn tỷ lệ cổ phần với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, cần đảm bảo sự công bằng giữa nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và trong nước. Cụ thể là cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tỷ lệ cổ phần giống như các cổ đông trong nước, cho phép họ sở hữu chi phối ở các ngành lĩnh vực không thiết yếu.
Về định giá tài sản, thương hiệu, định giá đất, ông Thành cho rằng, cần có sự giám sát chéo giữa các cơ quan, đảm bảo tính độc lập, minh bạch trong quá trình định giá.
Đưa ra giải pháp theo hướng “mở”, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách lại cho rằng, không nên đặt ra các tiêu chí cứng làm cản trở quá trình CPH DNNN cũng như tìm kiếm cổ đông chiến lược. “Phải coi mỗi cuộc CPP DNNN là một vụ đầu tư, là may một cái áo cho DN và không cái áo của DN nào giống DN nào. Nhà nước chỉ nên xây dựng các trình tự, thủ tục, thay vì đặt ra các quy định quá cụ thể”, ông Minh nêu quan điểm.
Đề cập thêm về giải pháp thu hút cổ đông chiến lược, ông Phan Đức Trung, Ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp của CIEM lưu ý, cần phải rõ ràng mục tiêu tìm cổ đông chiến lược khi CPH DNNN. “Nếu tìm cổ đông chiến lược lâu dài, đồng hành cùng DN thì quy định yêu cầu nhà đầu tư cam kết giữ ngành nghề kinh doanh, giữ thương hiệu 3-5 năm là rất cần thiết”, ông Trung nói./.
Hàng loạt nguyên nhân khiến DNNN khó có nhà đầu tư chiến lược