Mới đây, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã công bố tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 dự kiến tổ chức ngày 17/5. Công ty đề xuất chi trả cổ tức cao nhất từ trước tới nay với tỷ lệ 60% bằng tiền và chia thưởng 20% bằng cổ phiếu.

vinamilk_jfar.jpg
Vinamilk sắp trả cổ tức ở mức kỷ lục lên đến hàng nghìn tỷ đồng

Cụ thể, Vinamilk trình cổ đông phương án phân phối lợi nhuận năm 2015 bằng việc chi trả tiếp cổ tức đợt 2/2015 bằng tiền mặt với tỷ lệ 20%. Cùng với lần tạm ứng cổ tức đợt 1/2015 tỷ lệ 40% thực hiện vào tháng 9/2015 trước đó, tổng mức cổ tức năm 2015 sẽ lên tới 60% ( tương đương 6.000 đồng/cổ phiếu), mức cao nhất kể từ khi Vinamilk tiến hành cổ phần hóa.

Nếu được đại hội cổ đông thông qua, công ty sẽ chi 6.400 tỷ đồng để trả cổ tức, tương đương 82% lợi nhuận sau thuế năm 2015. Dự kiến, ngày thanh toán cổ tức đợt 2/2015 là 16/6/2016.

Trước đó, tỷ lệ cổ tức Vinamilk đã chi trả năm 2012 là 38% bằng tiền, thưởng cổ phiếu 2:1, năm 2013 là 48% và năm 2014 là 40% bằng tiền và thưởng tỷ lệ 5:1.

Nhân dịp 40 năm ngày thành lập công ty, Ban lãnh đạo Vinamilk cũng đề xuất cổ đông thông qua việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (phát hành cổ phiếu thưởng). Tỷ lệ là 20%, tương đương tỷ lệ phát hành 5:1 (cứ 5 cổ phiếu sẽ nhận thêm 1 cổ phiếu).

Dự kiến, ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ phiếu thưởng sẽ trong quý III/2016. Vốn điều lệ dự kiến của Vinamilk sau khi phát hành sẽ tăng thêm 2.419 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện sẽ được trích từ quỹ đầu tư phát triển, nếu không đủ sẽ tiếp tục trích thêm từ lợi nhuận chưa phân phối (2.990 tỷ đồng).

Ngoài ra, HĐQT cũng trình Đại hội cổ đông phê duyệt phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Theo đó, Vinamilk sẽ bán gần 9,44 triệu cổ phần cho cán bộ, nhân viên của tập đoàn với giá bán bằng 2 lần giá trị sổ sách.

Tính đến cuối quý I/2016, cổ phiếu Vinamilk có giá trị sổ sách khoảng 19.000 đồng/cổ phiếu, như vậy giá bán cổ phiếu ESOP cho người lao động khoảng 38.000 đồng/cổ phiếu, chỉ bằng 27% giá trị thị trường ở thời điểm hiện tại (142.000 đồng/cổ phiếu).

Tuy nhiên, lần cuối cùng Vinamilk phát hành cổ phiếu ESOP là năm 2011. Những năm gần đây đề xuất phát hành cổ phiếu ESOP thường bị cổ đông lớn nhất tại đây là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn nhà nước (SCIC) phản đối với lý do làm pha loãng cổ phiếu, ảnh hưởng đến tỷ lệ sở hữu của SCIC.

Hiện tại SCIC đang sở hữu 45% vốn tại doanh nghiệp này. Tháng 10/2015, Chính phủ đã quyết định sẽ thoái vốn Nhà nước tại Vinamilk vào một thời gian thích hợp do SCIC lựa chọn nhằm đảm bảo lợi ích cao nhất./.