“Các Bộ, ngành địa phương cần tăng cường công tác đào tạo, tuyên truyền, hỗ trợ để người dân và doanh nghiệp hiểu và tự nguyện tham gia Cơ chế một cửa quốc gia”. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh như vậy tại phiên họp lần thứ ba của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và Tạo thuận lợi thương mại theo quyết định số 1899 ngày 4/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Ủy ban 1899, diễn ra sáng nay (9/1), tại Trụ sở Chính phủ.
Thảo luận tại phiên họp, nhiều đại biểu cho rằng, mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên việc thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và Tạo thuận lợi thương mại trọng thời gian qua vẫn còn tồn tại một số hạn chế.
So với chỉ tiêu 22 thủ tục hành chính thực hiện trên Cơ chế một cửa quốc gia được giao tại Phiên họp thứ hai của Ủy ban 1899, tháng 7/2017, hiện mới chỉ có 8 thủ tục được triển khai, 14 thủ tục còn lại phải chờ đến hết Quý I/2018 mới chính thức được thực hiện trên Cơ chế một cửa quốc gia.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. |
Trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, số lượng hàng hóa phải kiểm tra vẫn chiếm tỷ trọng quá lớn trong số lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu; hiệu lực, hiệu quả kiểm tra chuyên ngành còn thấp; số lượng văn bản quy phạm pháp luật phải sửa đổi, bổ sung còn tồn lại tương đối nhiều; một số lĩnh vực còn bị bỏ sót; hiện tượng chồng chéo, trùng lặp giữa các bộ, ngành trong công tác kiểm tra chuyên ngành vẫn còn khá phổ biến; phí kiểm tra chuyên ngành đối với một mặt hàng xuất, nhập khẩu còn quá cao…
Điều này đã và đang gây khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu, tạo thêm gánh nặng về chi phí, giảm lợi nhuận của doanh nghiệp; một số trường hợp thậm chí còn làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng Cục trưởng Tổng Cục hải quan, Bộ Tài chính nhận định, tất cả các Bộ đều có kế hoạch và chương trình hành động, tuy nhiên thủ tục cắt giảm đưa vào Cơ chế một cửa quốc gia các Bộ chọn thời điểm cuối năm 2017 và đẩy sang năm 2018. “Thực tế khi kiểm tra tại một số Bộ, việc chuẩn bị chưa đúng kế hoạch và còn chậm. Nếu cứ theo tiến độ như vậy, thủ tục một cửa đã đề ra sẽ còn nhiều hạn chế”, ông Cẩn cho biết.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, tầm quan trọng của việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia và đổi mới cách thức quản lý và đơn giản hóa kiểm tra chuyên ngành nhằm tạo thuận lợi thương mại, hỗ trợ phát triền kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Phó Thủ tướng đề nghị, các Bộ, ngành khẩn trương rà soát, đối chiếu danh mục thủ tục hành chính đăng ký triển khai theo quyết định số 2185 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính của Bộ, ngành mình phù hợp với tình hình thực tế, hoàn thành trong tháng 3/2018.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an, tích cực xây dựng và triển khai hệ thống công nghệ thông tin phục vụ Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN, đảm bảo tính kết nối, hệ thống, an ninh, an toàn về thông tin và cơ sở dữ liệu.
Phó Thủ tướng nêu rõ, để hoàn thành nhiệm vụ năm 2018, các Bộ, ngành cần chủ động nghiên cứu, vận dụng các nguồn vốn hiện có để thực hiện. Đối với các đơn vị đã được phê duyệt cơ chế tự chủ thông qua thu phí hoặc các khoản thu khác thì ưu tiên sử dụng nguồn này để triển khai Cơ chế một cửa quốc gia.
Đối với các hạng mục dùng chung cho các Bộ, ngành, Tổng cục Hải quan nghiên cứu và đề xuất cụ thể trình Ủy ban 1899 để triển khai chung, trên tinh thần là triển khai công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm mục tiêu tạo thuận lợi thương mại.
Theo Phó Thủ tướng, các Bộ chỉ ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn, còn việc trực tiếp đầu tư trang thiết bị để kiểm tra chuyên ngành có thể để các thành phần kinh tế tham gia làm. Mục tiêu của Chính phủ là cắt giảm 50% kiểm tra chuyên ngành trong năm 2018 như đã nêu trong Nghị quyết 01, các Bộ phải xem cần thiết phải làm những công việc cần thiết.
“Có những Bộ ban hành danh mục nhưng không có quy chuẩn tiêu chuẩn. Việc cắt giảm 50% danh mục kiểm tra chuyên ngành là những mục gì, cần phải chỉ rõ và công bố trên các phương tiện thông tin truyền thông để toàn dân và cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài biết, không thể “mờ mờ ảo ảo”. Mặc dù có chống gian lận thương mại cũng không được làm mất đi động lực của việc tạo thuận lợi cho thương mại”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu, các Bộ ngành tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành theo hướng xã hội hóa, áp dụng hợp tác đối tác công tư (PPP) và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và hậu kiểm./.
Thủ tục tàu bay xuất, nhập cảnh qua Cơ chế một cửa quốc gia