Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam xác định rõ mục tiêu xây dựng ngành công nghiệp ô tô trở thành ngành quan trọng của đất nước vào năm 2020.
Trong đó, công nghiệp ô tô đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe có lợi thế cạnh tranh, tham gia xuất khẩu; tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác, trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô thế giới.
Rà soát chính sách thuế, phí theo hướng ổn định
Điểm mới của Chiến lược và Quy hoạch phát triển công nghiệp ô tô lần này là đã xác định cụ thể, tập trung vào 3 dòng xe tải, xe khách từ 10 chỗ trở lên, xe tải đa dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn.
Phân tích về điều này, ông Dương Đình Giám, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) chỉ rõ, những dòng xe tốt sẽ không cần phải có chính sách ưu đãi, công nghiệp ô tô sẽ chỉ tập trung vào 3 nhóm (kể trên). Quy hoạch cũng đã cụ thể hóa các giải pháp và cơ chế chính sách đối với từng khu vực sản xuất và tiêu dùng.
Đối với xe thân thiện với môi trường được hưởng các ưu đãi cao nhất hiện hành. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu bằng việc áp dụng ổn định chính sách tín dụng xuất khẩu hiện hành, hưởng chính sách ưu đãi của chương trình xúc tiến thương mại quốc gia…
“Chính sách ưu đãi về thuế là vấn đề các doanh nghiệp sản xuất ô tô quan tâm. Đối với khu vực tiêu dùng nhà nước cũng thực hiện lộ trình giảm thuế nhập khẩu theo cam kết ASEAN đến năm 2018 thuế suất về 0%. Bên cạnh đó điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt thấp nhất đối với xe từ 16-24 chỗ ngồi và các loại xe vừa chở người và hàng hóa phục vụ nông nghiệp nông thôn; áp dụng thuế suất ưu đãi đối với xe thân thiện môi trường; áp dụng thuế suất cao đối với xe chở người đến 9 chỗ”, ông Giám cho biết.
Ông Dương Đình Giám cũng nhấn mạnh một điểm đáng chú ý, đó là nhà nước sẽ nhất quán các chính sách trong thời gian tối thiểu 10 năm, phù hợp với xu thế hội nhập để tạo sự tin tưởng đối với các nhà đầu tư.
Củng cố thông tin về lộ trình giảm thuế, ông Lê Dương Quang, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, dự kiến cuối tháng 11/2014, Bộ Công Thương sẽ hoàn thành văn bản cuối cùng để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên vấn đề quan trọng là việc điều chỉnh thuế phải phải đồng bộ với hạ tầng giao thông. Do đó, các nhà sản xuất ô tô nên nhìn vào tương lai lâu dài vì thị trường Việt Nam có tiềm năng, dân số đông, nhu cầu tiêu thụ ô tô lớn.
Đánh giá tính khả thi của chiến lược và quy hoạch công nghiệp ô tô, ông Jesus Metelo N.Arias Js, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) nhận định, nhà nước nên ban hành sớm các kế hoạch cụ thể để đưa vào thực hiện chiến lược và quy hoạch.
“Cần xác định xây dựng một ngành công nghiệp ô tô cạnh tranh ngay từ bây giờ, đặc biệt phải giảm thiểu tất cả các thủ tục hành chính phiền hà, tạo ra một sân chơi bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhà nước cần có những giải pháp hữu hiệu để giảm chênh lệch về giá giữa xe sản xuất trong nước với xe sản xuất ở nước ngoài, tạo điều kiện để Việt Nam thực sự trở thành một đầu mối sản xuất ô tô quan trọng của thế giới”, ông Jesus Metelo N.Arias Js chỉ rõ.
Công nghiệp hỗ trợ được đánh giá đặc biệt quan trọng trong việc phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam. Để làm được điều này, quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng được Chính phủ chỉ rõ, cần tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong nước và các hãng ô tô lớn nhằm hình thành một số trung tâm/cụm liên kết công nghiệp ô tô, đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu, đào tạo thuộc mọi thành phần kinh tế.
Theo ông Trần Tuấn Anh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP cơ khí 19/, cần có chế tài cũng như hỗ trợ cụ thể, nếu không doanh nghiệp sản xuất linh kiện nội địa rất khó có thể tham gia vào chuỗi cung ứng, nhất là việc bắt tay với các đối tác doanh nghiệp FDI.
Nhà nước và doanh nghiệp tăng phụ thuộc?
Theo ông Dương Đình Giám, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương), để đảm bảo Chiến lược và Quy hoạch công nghiệp ô tô thành công phải phụ thuộc vào hai khu vực, một là khu vực nhà nước khi đưa ra được các hệ thống cơ chế chính sách phù hợp.
“Với tổng quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ đã phân công cho rất nhiều các cơ quan Bộ, ngành, mỗi cơ quan có một trách nhiệm để làm rõ hơn, xây dựng cụ thể các cơ chế chính sách nhằm vào 3 khối: Doanh nghiệp lắp ráp, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ và cả người tiêu dùng”, ông Giám cho biết.
Khu vực thứ hai, công nghiệp ô tô luôn phụ thuộc vào các doanh nghiệp. Ông Giám cho rằng, khi đã có chính sách nhưng không có doanh nghiệp thực hiện và thực hiện không được thì không phát triển được công nghiệp ô tô.
Do đó, để có chính sách phù hợp, cơ quan nhà nước phải tham vấn doanh nghiệp. Khi đã có chính sách phù hợp, bản thân các doanh nghiệp phải rất nỗ lực. Nếu chỉ dựa vào chính sách để phát triển thì sẽ rất khó. “Chính sách không phải là cây đũa thần, sự nỗ lực của bản thân các doanh nghiệp là rất quan trọng”, ông Giám nói./.
Theo báo cáo của VAMA, doanh số bán tô tô của toàn ngành trong tháng 7/2014 đạt 12.609 chiếc, tăng 2% so với tháng 6 và tăng 35% so với cùng kỳ năm 2013. Đây là tháng thứ 16 liên tiếp doanh số bán hàng của toàn ngành đạt cao hơn so với cùng kì năm ngoái. Trong tháng 7, toàn ngành đã bán được 7.913 xe con và 4.696 xe tải. Trong đó, doanh số xe con tăng 7% và xe tải tăng 5% so với tháng trước, so với cùng kì năm ngoái thì mức độ tăng trưởng tương ứng là 34% và 28%. Về triển vọng năm 2014, VAMA đưa ra dự báo doanh số toàn ngành năm 2014 có thể đạt 130.000 xe, tăng 18% so với năm 2013./.