Bết bát sản lượng tiêu thụ xe

Theo công bố mới đây của Bộ Công thương, sản lượng tiêu thụ xe ô tô trong tháng 4/2012 chỉ đạt 6.982 xe, giảm 24% so với tháng 3/2012 và giảm tới 46% so với cùng kì năm 2011.

Với sản lượng tiêu thụ sụt giảm như vậy Bộ Công thương dự báo: thị trường ô tô năm 2012 có thể chỉ tiêu thụ được khoảng 81.000 xe các loại, trong khi kế hoạch ban đầu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) dự kiến thấp nhất cũng phải đạt 130.000 - 140.000 xe. Ông Ngô Văn Trụ - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng - Bộ Công thương cho rằng, thị trường ô tô Việt Nam đang quay trở lại mức sản lượng tại thời điểm năm 2007.

oto.jpg
Lắp ráp ô tô tại Trường Hải - Thaco. (Ảnh: Thanh Trà)
Trong khi đó, quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã được Bộ Công thương xây dựng từ lâu, nhưng cho đến nay, vẫn chưa được trình Chính phủ bởi ách tắc ở nhiều khâu thẩm định từ các Bộ, ngành khác nhau.

Ông Trụ khẳng định: “Quy hoạch ngành công nghiệp ô tô chủ yếu do Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công thương) xây dựng và đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến nhiều lần. Tuy nhiên, bản đánh giá tác động môi trường chiến lược lại do Bộ Tài nguyên & Môi trường thẩm định. Chỉ khi nào thẩm định xong mới trình Thủ tướng được. Theo dự kiến, Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô sẽ phải trình Thủ tướng từ Quý I/2012 nhưng rồi lại phải lùi đến Quý III/2012 mà chưa biết kết quả sẽ ra sao?”.

Mức tiêu thụ thấp của thị trường ô tô đã dẫn tới lượng tồn kho của các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô và các đại lý đang ở mức rất cao, những khó khăn về vốn, cắt giảm việc làm, nhân công, thu nhập… khiến thị trường ô tô Việt Nam đang ở trong tình trạng đáng báo động.

Chính sách "chéo queo"

Thị trường ô tô nhỏ lẻ, phân tán, ngành công nghiệp hỗ trợ kém phát triển, cùng với đó, sự phát triển của cơ sở hạ tầng giao thông không đáp ứng được sự gia tăng của số lượng xe ô tô… là những nguyên nhân chính dẫn đến ngành công nghiệp ô tô Việt Nam khó thu hút đầu tư.

Ngoài ra, theo ông Ngô Văn Trụ - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng - Bộ Công thương - cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng và phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, cơ chế chính sách bất cập, mâu thuẫn nhau là nguyên nhân cơ bản khiến ngành công nghiệp ô tô  không thể phát triển.

“Có một mâu thuẫn rất dễ nhận thấy, trong khi Bộ Công thương ra sức xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô, với mục đích phát triển sản lượng xe, thì ngược lại, Bộ Giao thông Vận tải lại tiến hành xây dựng một chiến lược để giảm lượng xe lưu thông do cơ sở hạ tầng…” – Ông Trụ dẫn chứng.

Ông Đỗ Hữu Hào - Chủ tịch Hội Kỹ sư ô tô Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách công nghiệp cũng quả quyết: vướng nhất hiện nay chính là ở cơ chế, chính sách. Do vậy, cần phải có chính sách rõ ràng cho 6 năm tới, khi vào năm 2018, các dòng xe nhập khẩu từ các nước ASEAN vào Việt Nam sẽ không còn đánh thuế. Tiêu chuẩn nội địa hóa không phải là một tiêu chuẩn bắt buộc. Bởi nếu cứ phụ thuộc vào tỷ lệ nội địa hóa/sản lượng thì không thể phát triển được ngành công nghiệp ô tô Việt Nam khi sản lượng quá thấp như hiện nay.

“Nếu không có chính sách đột phá thì không thể phát triển. Nếu sản lượng tiêu thụ xe không phát triển thì công nghiệp hỗ trợ cũng không thể phát triển, và như thế chắc chắn không thể có ngành công nghiệp ô tô” - Ông Hào khẳng định.

Mạnh mẽ hơn, ông Ngô Văn Trụ quả quyết: “Để có được ngành công nghiệp ô tô thì chỉ riêng Bộ Công thương không làm thể làm được. Bộ Công thương tâm huyết nhưng Bộ Giao thông Vận tải không tâm huyết, địa phương cứ tăng chi phí thì không thể phát triển”.

Liên quan đến những tác động của các loại thuế, phí vào thị trường ô tô cũng như ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, ông Phạm Đình Thi - Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thuế - Bộ Tài chính khẳng định: “Thuế là công cụ điều tiết vĩ mô của nền kinh tế. Tuy nhiên, đối với ngành công nghiệp ô tô lại không hẳn vậy. Thuế luôn xung đột với các nhóm lợi ích. Người tiêu dùng mong muốn chất lượng cao nhưng giá phải rẻ. Nhà nhập khẩu thì mong muốn giảm thuế nhập khẩu để bán được hàng, nhưng nhà sản xuất trong nước lại muốn tăng thuế nhập khẩu để bảo hộ sản xuất trong nước phát triển. Hệ thống thuế dù có lý tưởng đến mức độ nào cũng không bao giờ đạt được mong muốn của các nhóm lợi ích. Do vậy, vấn đề đặt ra là thiết kế các chiến lược phát triển của các ngành phải làm sao để hài hòa các lợi ích”.

Một nước công nghiệp không thể đi bộ

Chiến lược phát triển ngành công nghiêp ô tô Việt Nam đã xác định, đây là một ngành công nghiệp rất quan trọng, cần được ưu tiên phát triển. Tuy nhiên, Chiến lược cũng khẳng định, phát triển công nghiệp ô tô cần phù hợp với cuộc sống tiêu dùng của đất nước, phải bảo đảm đồng bộ với việc phát triển hạ tầng giao thông và các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Ông Đỗ Hữu Hào - Chủ tịch Hội Kỹ sư ô tô Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương bày tỏ, nên khuyến khích sử dụng ô tô vì một nước công nghiệp, con người “không thể đi bộ được”. Nên đánh mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với những dòng xe hạng sang, không khuyến khích sử dụng.

“Hiện tại vướng mắc nhất vẫn là cơ chế. Chỉ khi người dân tham gia thị trường ô tô thì sản lượng ô tô mới tăng, công nghiệp hỗ trợ mới phát triển. Nếu như Bộ tài chính, Bộ Giao thông Vận tải công bố những chính sách ổn định, lập tức chỉ ngay tháng sau, thị trường ô tô sẽ sôi động hẳn lên… Trong khi quy định sẽ thu nhiều loại phí từ vài triệu đến 60 triệu đồng/ô tô chưa được áp dụng cụ thể, mới chỉ là tin đồn, nhưng đã khiến người dân lo lắng, cân nhắc việc mua xe” - Ông Hào lưu ý. 

Cần thiết có một dòng xe chiến lược?

Bà Trương Thị Chí Bình - Giám đốc Trung tâm Phát triển DN công  nghiệp hỗ trợ, Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp, Bộ Công thương cho rằng, để phát triển công nghiệp ô tô, cần thiết phải có một dòng xe chiến lược. Phát triển công nghiệp ô tô chính là niềm hy vọng lớn lao nhất của công nghiệp hỗ trợ vì nó liên quan đến công nghiệp chế tạo. Không chỉ vậy, nó còn giúp cải thiện thói quen tiêu dùng và hình thành tư duy công nghiệp. “Khi có dòng xe chiến lược sẽ có điều kiện để phát triển sản xuất, tăng sản lượng, phát triển DN chế tạo, ừ đó có điều kiện để phát triển cơ sở hạ tầng” - bà Bình quả quyết.

Tuy nhiên, dưới góc độ một nhà nghiên cứu độc lập, Ths. KS Trần Tiến Vũ cho rằng, nếu Việt Nam mới có hơn chục năm khởi động thì không nên quá “xúc động” trong việc tìm mọi cách để phát triển ngành công nghiệp ô tô - khi các điều kiện chưa đủ chín. Không nên chỉ định phải xây dựng hay là ra quyết định việc phát triển một dòng xe chiến lược mà hãy để cho tự cuộc sống, để thị trường tự chọn lọc.

Ông Vũ dẫn chứng, “Doanh nghiệp ô tô Trường Hải của ông Trần Bá Dương vừa  xây dựng một nhà máy chế tạo động cơ. Cái động cơ ấy mới là trái tim của ô tô, còn những công việc khác là việc phụ thôi. Đấy mới là đúng hướng. Và Trường Hải có thể trong tương lai sẽ tạo ra được một dòng xe chiến lược. Hiện nay Việt Nam có rất nhiều cơ sở lắp ráp các loại xe và rất nhiều logo xe, các dòng xe mênh mông lắm cho nên bị loạn, bị loãng”.

Cần nghiên cứu lại chính sách thuế bởi hiện có quá nhiều loại thuế thu trên đầu mỗi sản phẩm hàng hóa, nhất là mặt hàng ô tô. Cần học tập kinh nghiệm của nhiều nước khi không khuyến khích phát triển phương tiện cá nhân mà đẩy mạnh phát triển giao thông công cộng, ví dụ như ở Đức, việc xây dựng ngành công nghiệp ô tô của Đức đã bắt đầu từ việc phát triển hạ tầng - ông Vũ chia sẻ kinh nghiệm của Đức từ quá trình tìm hiểu 20 năm làm việc tại nước bạn.

Thời gian xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ thị trường ASEAN vào Việt Nam không còn nhiều. Trong khi ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hiện nay đang ở mức giậm chân tại chỗ nếu không muốn nói là đi thụt lùi. Liệu thời gian gần 6 năm còn lại, có đủ để Việt Nam phát triển ngành công nghiệp ô tô với rất nhiều doanh nghiệp cùng sản xuất nhiều mặt hàng, nhiều dòng sản phẩm…? Câu trả lời đó phải được xác định ngay từ bây giờ trước khi quá muộn./.