Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vừa công bố báo cáo tài chính sáu tháng đầu năm 2016. Theo đó, doanh thu công ty mẹ đạt 14.322 tỷ đồng. 

Đặc biệt, Sabeco có lượng tiền mặt gần 8.200 tỷ đồng gửi ngân hàng với kỳ hạn không quá 3 tháng, hưởng lãi suất 5,5 - 6,2% một năm. Trong đó, có khoản 1.165 tỷ đồng gửi tại các ngân hàng thương mại có kỳ hạn trên 3 tháng, hưởng lãi suất 6,2-7,2% một năm. Trong kỳ công ty cũng ghi nhận doanh thu tài chính đạt 678 tỷ đồng. 

119_anh_1_bia_sai_gon_bujt.jpg
Sabeco là hãng bia Việt lớn nhất hiện nay với tổng tài sản 18.130 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính, Sabeco có hơn 4.000 tỷ đồng đầu tư vào công ty con, công ty liên kết. Tuy nhiên đơn vị này đã phải trích lập khoảng 490 tỷ đồng dự phòng. Trong khi đó, hai khoản đầu tư gây thua lỗ cho Bia Sài Gòn là đầu tư 216 tỷ đồng vào Ngân hàng Thương mại Phương Đông (OCB) - hiện đã thua lỗ và trích lập dự phòng khoảng 158 tỷ đồng. Khoảng đầu tư 136 tỷ đồng vào Ngân hàng Thương mại Đông Á (DongABank) cũng khiến công ty đang phải hạch toán lỗ và trích lập tới 111 tỷ đồng.

Ngoài ra, Tổng công ty còn đầu tư ngoài ngành không hiệu quả vào một số doanh nghiệp khác như: Quỹ đầu tư Việt Nam, Quỹ đầu tư Chứng khoán Sài Gòn A2, PVI Sài Gòn, Du lịch dầu khí Phương Đông… 

Dù các chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí quảng cáo, khuyến mại không có nhiều thay đổi song lợi nhuận của Sabeco vẫn không tăng trưởng nhiều. Kết thúc 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của Sabeco tăng nhẹ lên mức 1.971 tỷ đồng.

Sabeco là hãng bia Việt lớn nhất hiện nay với tổng tài sản 18.130 tỷ đồng, Nhà nước đang nắm giữ 89,59% vốn và đã có kế hoạch thoái. Mới đây, hãng bia cũng gặp lùm xùm chuyện bổ nhiệm nhân sự Phó tổng giám đốc Vũ Quang Hải - con trai của nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng. Từ cuối tháng 10/2015, doanh nghiệp cũng có tân Chủ tịch khi ông Võ Thanh Hà thay ông Phan Đăng Tuất.

Nửa đầu năm 2016, ngành bia phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là áp dụng cách tính mới tại cơ sở bán ra và tăng thuế tiêu thụ đặc biệt 5% tác động đến giá thành bia. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ bia vẫn vượt 1,5 tỷ lít. 

Trong khi, tại các nước phát triển như Tây Âu, Nhật Bản… tiêu thụ bia có xu hướng giảm thì Việt Nam được coi là thị trường màu mỡ cho các hãng bia nước ngoài như Heineken, Tiger, Carlsberg. Cuộc cạnh tranh thị phần ngày càng quyết liệt khi Bia Sài Gòn vẫn giữ vị thế song khoảng cách đã bị thu hẹp. Đặc biệt, dù doanh thu và sản lượng tiêu thụ giữ vị trí số 1 nhưng lợi nhuận của Sabeco đã bị Heineken vượt qua./.