Nhằm kiềm chế tai nạn giao thông (TNGT), trọng tâm là hạn chế các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách và xe tải, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã đề ra các giải pháp đột phá, trong đó có việc thành lập các đoàn thanh tra chuyên ngành các đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình (TBGSHT) của xe ô tô, cũng như việc chấp hành các điều kiện kinh doanh vận tải khách bằng ô tô theo tuyến cố định qua TBGSHT.

thiet-bi-gsht.jpg
Nhiều TBGSHT không theo dõi, trích xuất được đủ các thông tin bắt buộc. (Ảnh: Internet)
Lộn xộn nguồn gốc xuất xứ

Theo công bố của Thanh tra Bộ GTVT, cả nước hiện có 52 đơn vị cung cấp TBGSHT được Bộ GTVT cấp Giấy chứng nhận hợp quy. Trong thời gian vừa qua, đoàn kiểm tra của Bộ GTVT đã tiến hành kiểm tra tại 7 đơn vị cung cấp TBGSHT, một số đơn vị đã thực hiện tốt theo các quy định của Bộ GTVT đề ra.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh Thanh tra Bộ GTVT cho hay, trong quá trình kiểm tra vẫn còn tồn tại một số đơn vị vi phạm, tập trung vào một số nội dung như: Không đủ nhân lực, thiết bị phục vụ công tác sản xuất; TBGSHT không theo dõi, trích xuất được đủ các thông tin bắt buộc; không đáp ứng đủ tính năng theo quy định tại Nghị định 91/2009/NĐ-CP và Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về TBGSHT của xe ô tô QCVN 31:2011/BGTVT.

“Đặc biệt, đoàn thanh tra chuyên ngành còn phát hiện có sự gian lận trong việc kê khai nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa (TBGSHT nhập khẩu, nhưng lại kê khai là tự sản xuất, lắp ráp); không sử dụng đúng phương pháp đo tốc độ được Bộ GTVT chứng nhận với phương pháp thực tế lắp đặt trên các xe (phương pháp đo tốc độ được chứng nhận là theo xung chuẩn, nhưng thực tế lắp trên các xe theo phương pháp GPS)” - ông Huyện nói.

Để xử lý giải những vi phạm này, Bộ GTVT đã thu hồi Giấy chứng nhận hợp quy của 3 đơn vị (gồm Công ty Tân Á Châu; Công ty Sao Việt; Công ty Vạn Xuân) có nhiều sai phạm và yêu cầu 2 đơn vị (Công ty Eposi, Công ty Vcomsat) khắc phục một số tồn tại của thiết bị đã cung cấp ra thị trường trong thời hạn 3 tháng.

Lắp thiết bị mang tính đối phó

Ngoài việc kiểm tra, đánh giá việc cung cấp thiết bị, đoàn thanh tra của Bộ cũng kiểm tra chấp hành các điều kiện kinh doanh vận tải khách bằng ô tô theo tuyến cố định qua TBGSHT. Kết quả kiểm tra ban đầu tại 7 đơn vị vận tải tại Quảng Ninh cho thấy, mặc dù tất cả các phương tiện đã được lắp đặt TBGSHT, tuy nhiên, các đơn vị vận tải vẫn chưa thực hiện việc khai thác, quản lý thông tin từ TBGSHT theo quy định; nhiều TBGSHT được kiểm tra không đảm bảo các tính năng theo quy định.

Các đơn vị vận tải lắp đặt TBGSHT với mục đích để đủ điều kiện hoạt động vận tải, mà không thực hiện hoặc không duy trì thực hiện việc quản lý, khai thác thông tin từ TBGSHT để phục vụ công tác quản lý của đơn vị vận tải; nhiều đơn vị vận tải không có người hiểu biết về hoạt động của TBGSHT hoặc có trình độ để quản lý, theo dõi thông tin từ TBGSHT; các lái xe không thực hiện đăng nhập/đổi tên lái xe khi điều khiển phương tiện. Việc làm này thực chất tạo nên tâm lý đối phó, không mang lại hiệu quả như mục đích của việc lắp đặt TBGSHT được Bộ GTVT đề ra.

Qua phân tích các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng cho thấy, nguyên nhân chính là do ý thức, đạo đức và sức khoẻ của người lái xe không đảm bảo theo quy định, hành vi vi phạm về tốc độ (khoảng 18-24%), đi sai phần đường (24-32%) và vượt xe không đúng quy định (12-19%).

Ngoài ra phải kể đến nguyên nhân khách quan do các cơ quan chức năng địa phương chưa quyết liệt trong kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm về các điều kiện kinh doanh vận tải khi thực hiện thủ tục cấp phép và trong quá trình hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, thực tế qua kiểm tra 313 đầu phương tiện của 7 đơn vị vận tải tại Quảng Ninh cho thấy, đã có 40/313 thiết bị GSHT lắp trên 40 xe không đảm bảo điều kiện theo quy định tại Nghị định 91/2010/NĐ-CP và QCVN 31:2011/BGTVT (chủ yếu ở các xe của các xã viên hợp tác xã thực hiện việc lắp đặt TBGSHT đơn lẻ, mà không do hợp tác xã lắp đặt tập trung).

Bên cạnh đó, một số đơn vi vận tải đã lắp ở nhiều nhà cung cấp TBGSHT (có hợp tác xã lắp với trên 10 nhà cung cấp) nên việc quản lý không hiệu quả, việc cập nhật, lưu trữ, trích xuất các dữ liệu khó khăn.

“Đoàn kiểm tra đã tiến hành thu thập thông tin, dữ liệu từ TBGSHT, qua đó đã phát hiện được nhiều vi phạm về tốc độ, thời gian lái xe liên tục, đón trả khách, hành trình chạy xe. Đơn cử như khi kiểm tra khoảng 50 xe từ TBGSHT trong thời gian 10 ngày, đã phát hiện 1.157 vi phạm về tốc độ, với tốc độ xe chạy lớn nhất là 126 km/h” - ông Nguyễn Hoàng Hiệp nói.

Áp chế tài xử phạt từ 1/7/2013

Việc sử dụng hiệu quả TBGSHT thông qua việc trích xuất các thông tin ghi nhận từ thiết bị, sẽ là đầu mối cung cấp cho các phương tiện thông tin truyền thông và cho cơ quan quản lý nhà nước.

Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh Thanh tra Bộ GTVT, từ ngày 1/7 tới đây, cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm hành chính đối với lái xe theo quy định tại Nghị định 71/2012/NĐ-CP; thu hồi phù hiệu chạy xe theo quy định tại Nghị định 91/2009/NĐ-CP đối với các xe lắp TBGSHT không hoạt động hoặc hoạt động không theo quy định.

Cũng thông qua dữ liệu khai thác thông tin từ TBGSHT, cơ quan chức năng sẽ thu hồi Giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định tại Nghị định 93/2012/NĐ-CP đối với các đơn vị vận tải có trên 20% xe vi phạm, đặc biệt là vi phạm về tốc độ chạy xe, thời gian lái xe…

Ngoài ra, căn cứ trên số liệu của TBGSHT, Bộ, ngành sẽ có kế hoạch tập trung nâng cao kỹ năng, văn hóa và đạo đức người lái xe; Nâng cao chất lượng các trung tâm đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe.

Theo dự kiến của Bộ GTVT, đợt 2 của việc kiểm tra thiết bị TBGSHT cũng như việc giám hoạt động của thiết bị này tại các doanh nghiệp vận tải sẽ được thực hiện trong tháng 6 và tháng 7/2013. Kết thúc kiểm tra, Bộ sẽ thông báo công khai kết quả kiểm tra để đơn vị kinh doanh vận tải biết và lựa chọn các sản phẩm có chất lượng tốt.

Nguồn thông tin từ TBGSHT sẽ là các dữ liệu rất quan trọng phục vụ công tác quản lý nhà nước; đồng thời cũng đánh giá được việc chấp hành các quy định của pháp luật giao thông đường bộ của lái xe và các đơn vị vận tải. Đây được xem như giải pháp quan trọng trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông./.

Theo Uỷ ban ATGT Quốc gia, 5 tháng đầu năm 2013 (tính từ ngày 16/12/2012 – 15/5/2013), toàn quốc đã xảy ra 12.052 vụ, chết 4.163 người, bị thương 12.171 người. So với cùng kỳ năm 2012 giảm 2.089 vụ (-14,77%), tăng 28 người chết (0,68%), giảm 3.047 người bị thương (-20,02%).

Trong đó, tính riêng tai nạn giao thông tháng trong tháng 5/2013 (tính từ ngày 16/4 – 15/5/2013), trên toàn quốc xảy ra 2.409 vụ, làm chết 799 người, làm bị thương 2.480 người. So với tháng 5/2012 giảm 82 vụ (-3,29%), tăng 16 người chết (2,04%), giảm 116 người bị thương (-4,47%).Đặc biệt trong tháng 5 đã xảy ra 7 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, cụ thể: tại Thừa Thiên Huế, Bình Dương, Quảng Ninh, Long An, Bình Thuận, Lào Cai và Kiên Giang mỗi nơi 1 vụ, làm chết 32 người, bị thương 29 người. So với tháng 4/2013 tăng 3 vụ, tăng 20 người chết, tăng 27 người bị thương; so với tháng 5/2012 tăng 1 vụ, tăng 16 người chết, tăng 5 người bị thương.