Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang diễn ra trên quy mô toàn cầu và có tác động trực tiếp tới nền kinh tế Việt Nam. Cuộc cách mạng này sẽ giúp tăng năng suất lao động, nâng cao mức sống của người dân. Đồng thời, cũng là điều kiện tốt để doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, thâm nhập thị trường với nhiều sản phẩm dịch vụ công nghệ mang tính đột phá… Song để tận dụng được những cơ hội từ cuộc cách mạng 4.0, yêu cầu đặt ra cho mỗi doanh nghiệp là phải có chiến lược chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số để phát triển.
Trong bối cảnh mới hiện nay, để tăng trưởng nhanh thì doanh nghiệp phải cập nhật kịp thời xu hướng công nghệ. Nếu đi ngược lại xu thế này thì doanh nghiệp sẽ phải thu hẹp quy mô, thậm chí sẽ bị đào thải khỏi thị trường. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiện có đến 75% doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam đang sử dụng máy móc hết khấu hao. Nhiều doanh vẫn loay hoay không thể thoát ra được những thế hệ máy móc có công nghệ lạc hậu 2 – 3 thế hệ. Ngoài ra, có tới 24% doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ ở mức trung bình và chỉ có 1% doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến…
Mỗi doanh nghiệp là phải có chiến lược chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số để phát triển. |
Theo ông Lê Công Thành - CEO của InfoRe Technology, hiện nay mặc dù doanh các doanh nghiệp chúng ta đã và đang bắt đầu chú ý đến việc ứng dụng các lợi thế từ cách mạng 4.0. Cùng với đó là việc Chính phủ đang có những chính sách rất tốt để thúc đẩy cuộc cách mạng này phát triển trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, thực tế hiện nguồn nhân lực của chúng ta còn yếu, cần tái đào tạo những kỹ sư công nghệ thông tin để mọi người có thể thích ứng với cách thức làm mới trên thế giới. Bên cạnh đó, dữ liệu lớn (big data) vẫn là điểm yếu của nhiều doanh nghiệp.
“Nguồn dữ liệu của người Việt đang chảy ra nước ngoài quá nhiều, những phần mềm cài đặt trên điện thoại đa phần là của người nước ngoài, họ thu thập dữ liệu của người Việt Nam, do đó chúng ta không có nhiều dữ liệu để thực hiện những ứng dụng giúp ích cho xã hội. Thứ 2 là hạ tầng tính toán yếu, không có nguồn hạ tầng tính toán đủ mạnh. Đa phần những người học trí tuệ nhân tạo Việt Nam đều phải bám vào nguồn hạ tầng do công ty Google họ cung cấp miễn phí…” - ông Lê Công Thành phân tích.
Đồng tình với quan điểm này, ông Trịnh Minh Giang, Chủ tịch Công ty đầu tư VMCG (nhóm công ty hiện đầu tư vào ươm tạo nhiều startup công nghệ) cho rằng, vấn đề mấu chốt để doanh nghiệp Việt thành công thời 4.0 chính là người chủ doanh nghiệp phải nắm bắt và làm chủ được công nghệ, phải có chiến lược cụ thể, rõ ràng. Theo đó, lãnh đạo doanh nghiệp không chỉ chọn cho mình một mô hình kinh doanh hiệu quả mà còn phải có mô hình ứng dụng công nghệ và sử dụng nguồn lực để ứng dụng công nghệ đó.
Nói về chiến lược phát triển doanh nghiệp ông Trịnh Minh Giang cho biết, những năm gần đây doanh nghiệp đã quan tâm đến việc chuyển đổi số và phải ứng dụng công nghệ trong chiến lược phát triển.
Doanh nghiệp phải là trung tâm để đổi mới trong Cách mạng 4.0. |
“Có những doanh nghiệp chỉ có 4 -5 người nhưng doanh số có thể hàng trăm triệu USD, do họ có chiến lược đúng, hiểu công nghệ và ứng dụng một phần công nghệ vào mô hình kinh doanh, tối ưu hoàn toàn chuỗi kinh doanh. Do đó chiến lược của người đứng đầu rất quan trọng, tất nhiên để tác động đến chiến lược thì chính chúng tôi phải chuyển đổi số và phải ứng dụng công nghệ. Cho nên từ 2 -3 năm trở lại đây chúng tôi có đầu tư một số doanh nghiệp thành viên để phát triển lõi công nghệ” - ông Trịnh Minh Giang nói.
Các chuyên gia cho rằng, để tiếp cận cuộc cách mạng 4.0, doanh nghiệp phải là trung tâm để đổi mới cũng như thay đổi nhận thức về cách thức sản xuất và môi trường kinh doanh…Làm được điều này cần chú trọng đến phát triển công nghệ trong tương lai. Trong trường hợp doanh nghiệp đã có công nghệ, nhưng ứng dụng công nghệ cũng là một hoạt động đầu tư kinh doanh, phụ thuộc vào môi trường đầu tư kinh doanh và thể chế. Vì vậy, Nhà nước cần đổi mới thể chế nhằm phù hợp với yêu cầu phát triển.
Đây là vấn đề rất quan trọng trong việc đưa Việt Nam bắt kịp và vươn lên trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó khung pháp lý đầu tiên cần làm và tập trung là dữ liệu. Ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhấn mạnh, vấn đề dữ liệu liên quan đến quyền sở hữu, quyền tiếp cận, quyền riêng tư và dịch chuyển dữ liệu số, đặc biệt là dịch chuyển qua biên giới.
“Chúng ta phải có bước đi nhanh chóng quyết liệt liên quan đến lĩnh vực dữ liệu. Đối với doanh nghiệp, người dân đối với việc xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số là như vậy. Có thể đây là mấu chốt nhất trong việc cải tiến khung pháp lý. Bên cạnh đó, cuộc cách mạng này rất nhiều điều mới mẻ, cho nên cách làm sand box (công nghệ mới) phải khác, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ phạm vi thí điểm để có tổng kết để mà làm…” - ông Võ Trí Thành cho biết
Để phát triển được trong bối cảnh bùng nổ cuộc cách mạng 4.0, cần đề cao vai trò của thể chế và người lãnh đạo. Tiếp theo là phải có một hệ thống giáo dục đào tạo kỹ năng tốt để cung cấp cho thị trường nguồn nhân lực số có chất lượng cao, bên cạnh đó phải tiếp tục coi doanh nghiệp sáng tạo là trung tâm. Đẩy mạnh đầu tư cải tiến công nghệ, nghiên cứu, học hỏi và ứng dụng những mô hình, phương thức kinh doanh mới, loại bỏ những yếu tố lạc hậu hay không còn phù hợp để giúp doanh nghiệp phát triển nhanh hơn./.
Chuyển đổi doanh nghiệp số thành công: “Cá bé” sẽ sớm “nuốt cá lớn”
Doanh nghiệp “sợ” công bố nhãn hiệu của mình bị làm giả